Giữa lòng phố cổ, gia đình bà Lê Thị Quyến và ông Lê Thành Vinh như một minh chứng sâu đậm nhất cho việc kế thừa và phát huy nghề truyền thống của dân tộc.
Bà Quyến 78 tuổi nhưng hàng ngày vẫn may áo dài cho khách. Ảnh: Thanh Niên |
Ở căn nhà số 23 Lương Văn Can (Hà Nội), bà Lê Thị Quyến (78 tuổi), hơn 65 năm qua, vẫn cặm cụi bên chiếc máy khâu để giữ nghề may áo dài truyền thống.
Bà là hậu duệ đời thứ 4 của một gia đình có nghề may áo dài truyền thống ở Hà Nội. Sinh thời, cha mẹ bà là những thợ phó có tiếng của làng may Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Tây (cũ).
Những năm Pháp thuộc, cuộc đời đưa đẩy ông cụ thân sinh bà cùng gia đình ra Hà Nội kiếm sống. Đầu những năm 50, bà bắt đầu được cha cho phụ việc.
12 tuổi, khoác trên vai một chiếc bồ đà, bà theo cha đi khắp những phố phường để may đo cho gia chủ. Thế rồi bằng sự tinh tế, khéo léo của mình, chẳng mấy chốc, dọc phố Hàng Ngang, Hàng Đào,… không tiểu thư tân thời nào là không biết đến tay nghề của bà.
Năm 17 tuổi, nàng thiếu nữ xinh đẹp và khéo tay ấy kết hôn cùng với một chàng thanh niên tên Vinh có tài may áo dài đẹp nhất làng ngoài.
Nghề may áo dài được mọi người trân trọng bởi lẽ làm đẹp cho mọi người nhưng không hẳn là một nghề dễ kiếm được tiền. Có những thời kì khó khăn, bà Quyến cùng chồng vừa phải vội vàng kiếm tiền nhờ tiệm may, vừa may thuê áo bông cho công ty mới đủ tiền mua gạo cho các con ăn học.
Mặc dù đã gần 80 tuổi nhưng từng đường kim, mũi chỉ của bà Quyến vẫn tinh tế và chuẩn xác vô cùng.
Bây giờ tuy đã có tuổi, nhưng ngày ngày bà Quyến vẫn đứng cắt may cho khách. Thậm chí, chỉ cần nhìn dáng người, bà cũng biết nên may áo theo kiểu gì, ước chừng được số đo bao nhiêu, dài rộng ra sao.
Vì vậy, tiệm may của bà không chỉ thu hút khách hàng trong nước mà còn có cả những du khách nước ngoài. Khách hàng nào đối với bà cũng là thượng đế, không phân sang hèn bởi lẽ với bà cái đẹp tồn tại ở mọi góc của cuộc sống.
Theo bà Quyến, trước đây phụ nữ hay mặc áo dài hơn bây giờ. Kể cả người đi bán trứng, bán hoa, bán rau cũng mặc áo dài. Tuy nhiên những người này thường mặc tông màu nâu và được buộc vạt phía trước. Phần sau áo được chia thành 4 phần rõ nét nhưng tông màu chỉ có phần hơi khác biệt về độ đậm nhạt mà không “xanh đỏ như bây giờ”.
Còn những người đi làm và giới tiểu thư khuê các thì thường mặc áo dài cổ cao, liền vai.
Hiện nay, người may áo dài có thể thoải mái lựa chọn chất liệu đa dạng |
Bà Quyến cho hay, nghề của bà giống như làm dâu trăm họ. Tuy nhiên bằng sự tận tâm nên trong gần 65 năm làm nghề, bà chưa một lần làm phật lòng khách. Bà cũng chia sẻ, không ít lần bà còn nhận được những món quà ý nghĩa từ khách đến may áo dài.
“Tôi nhớ nhất là có một cặp vợ chồng già là là khách quen gần chục năm của cửa hàng tôi. Cứ mỗi dịp sinh nhật hay kỷ niệm, họ đều chở nhau bằng xe đạp đến đây may áo dài.
Ngày 8/3 cách đây 4 năm, trên chiếc xe đạp cũ ọp ep ấy, ông chở bà đến gặp tôi. Vừa xuống xe, bà cụ đã dúi vào tay tôi một cặp lồng dưa muối. Bà bảo công việc tôi bận rộn, không có thời gian nấu ăn nên mới cho tôi. Sau đó vài năm, có lẽ vì tuổi cao nên họ không còn đến may áo dài nữa”, bà Quyến nói.
Bà Quyến ấn tượng nhất vẫn là lần tiếp một vị khách ở phố cổ vào khoảng năm 1970.
“Đó là một ngươì phụ nữ tầm 50 tuổi, trông rất quý phái và giàu có, đến may áo dài. Ngày đó gia đình tôi chỉ ở trong căn nhà vỏn vẹn 10m2 nên rất chật chội. Thấy hoàn cảnh gia đình tôi như vậy, bà ấy đề nghị tôi bán chiếc đài cũ của gia đình để đổi lấy ngôi nhà rộng hơn.
Thời đó, chiếc đài có ý nghĩa lớn với gia đình nên tôi đành từ chối, dù món quà của vị khách hào phóng rất giá trị. Tôi bảo bà ấy rằng tôi cũng muốn có nhà mới nhưng không thể bán chiếc đài này. Trải qua bao đợt chuyển nhà và biến cố, chiếc đài đã bị thất lạc”, bà Quyến trải lòng.
Bà Quyến sinh được 7 người con, 1 nam, 6 nữ. 7 người con của ông bà, mặc dù có công việc riêng nhưng vẫn nối nghiệp bố mẹ như một nghề tay trái. Không muốn để nghề gia truyền mai một, người con trai cả và người con gái thứ 5 đã quyết định nối nghiệp bà Quyến và xây dựng thêm cơ sở riêng trên phố Lương Văn Can.
Mộc Miên (T/h)