Sau chưa đầy 5 năm, dưới sự dẫn dắt của CEO gốc Ấn Độ Satya Nadella, Microsoft đã trở lại ngôi dẫn đầu thế giới về vốn hóa.
Ba thế hệ CEO của Microsoft (từ trái qua): Satya Nadella, Bill Gates và Steve Ballmer. Ảnh: Wired |
Khi Satya Nadella lên đảm nhiệm vị trí CEO của Microsoft vào tháng 2/2014, "gã khổng lồ" này chật vật với đủ rắc rối. Đó chính là thời điểm Microsoft Windows 8 trở thành thảm họa, sự bùng nổ của các smartphone như iPhone, còn các nhà phát triển mất niềm tin vào công ty...
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Microsoft đã vượt qua Apple, trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
Satya Narayana Nadella ra đời tại Hyderabad, Ấn Độ tại 1967 trong một gia đình có cha là công chức còn mẹ là giáo viên tiếng Phạn cổ. Từ nhỏ, ông đã muốn trở thành một cầu thủ bóng gậy. Tuy nhiên, sau này tài năng thể thao của ông đã bị đam mê khoa học và công nghệ lấn át.
Năm 1998, Nadella nhận bằng cử nhân ngành kỹ sư điện tử tại Viện công nghệ Manipa. "Tôi luôn biết rằng mình muốn xây dựng mọi thứ", Nadella từng chia sẻ. Tuy nhiên, vì trường này không có một chương trình khoa học máy tính thực sự, Nadella đã tới Mỹ để theo học Đại học Wisconsin-Milwaukee và tốt nghiệp vào năm 1990.
Sau một thời gian ngắn làm việc cho Sun Microsystems, năm 1992, ông gia nhập Microsoft. Khi đó, người đồng sáng lập Microsoft Bill Gates vẫn còn là CEO của công ty và hệ điều hành Windows mới bắt đầu hành trình thống trị thế giới.
Vị CEO được cả ban lãnh đạo của Microsoft ủng hộ
Vị CEO đã đưa Microsoft trở lại ngôi dẫn đầu thế giới. Ảnh: BI |
Nadella là một trong khoảng 30 người nhập cư Ấn Độ làm việc tại hãng công nghệ khổng lồ. Những dự án đầu tiên của ông gồm sản phẩm tương tác truyền hình và hệ điều hành Windows NT.
Trong những năm đầu tại Microsoft, Nadella gây ấn tượng với đồng nghiệp và cũng như các quản lý bằng việc dành mỗi cuối tuần để đi từ văn phòng của công ty tại Redmond, Washington, đến Trường kinh doanh Booth của Đại học Chicago để hoàn thành chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông tốt nghiệp vào năm 1997.
Năm 1999, ông đảm nhiệm vị trí giám đốc đầu tiên - phó chủ tịch của Microsoft bCentral, nhóm dịch vụ web dành cho doanh nghiệp nhỏ.
Năm 2000, Steve Ballmer lên làm CEO của Microsoft. Năm 2001, Nadella lên đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch của Microsoft Business Solutions - được hình thành sau hàng loạt thương vụ thâu tóm trong đó có Great Plains (phát triển phần mềm kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ). Microsoft Business Solutions cũng phát triển hệ thống CRM trên nền tảng đám mây để cạnh tranh với Salesforce. Những sản phẩm đó sau này được đổi tên thành "Dynamics".
Hành trình của ông với Microsoft bắt đầu vào tháng 11/1992. Chỉ vài năm sau đó, Microsoft bước vào thời kì đỉnh cao. Ảnh: Milwaukee Journal Sentinel |
Nadella tiếp tục thăng tiến vào những năm sau đó. Năm 2007, ông trở thành phó chủ tịch của Microsoft Online Services, điều hành hoạt động của công cụ tìm kiếm Bing cũng như những phiên bản trực tuyến đầu tiên của Microsoft Office và dịch vụ game Xbox Live.
Tới tháng 2/2011, ông tiếp tục được bổ nhiệm làm chủ tịch của Bộ phận Công cụ và Máy chủ. Khi đó, bộ phận này giám sát các sản phẩm tiềm năng cho những trung tâm dữ liệu của công ty như Windows Server và cơ sở dữ liệu SQL Server. Đây cũng là bộ phận đứng sau một trong những chiến lược táo bạo nhất của CEO Ballmer khi đó: nền tảng đám mây Microsoft Azure. Khi Nadella tiếp quản, bộ phận này có doanh thu 16,6 tỷ USD nhưng tới năm 2013, con số này tăng lên 20,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, lúc này, Microsoft lâm vào rắc rối. Ở mảng máy tính cá nhân (PC), Windows 8 trở thành một thảm họa trong bối cảnh nhu cầu PC giảm. Điện thoại iPhone và các smartphone chạy hệ điều hành Android qua mặt điện thoại chạy Windows với những điểm vượt trội hơn hẳn. Đồng thời, công cụ tìm kiếm Bing không tạo được dấu ấn trước sự thống trị của Google. Tháng 8/2013, sau thời gian cật lực chống chọi với những thách thức, Ballmer tuyên bố từ chức. Hội đồng tìm kiếm CEO mới gồm có Ballmer và Bill Gates được thành lập.
Tháng 2/2014, sau nhiều đồn đoán, Microsoft tuyên bố Nadella chính thức trở thành CEO mới của công ty với sự ủng hộ của cả Ballmer và Gates.
Để lôi kéo Nadella đảm nhiệm vai trò CEO, ban lãnh đạo của Microsoft đã phê duyệt gói lương thưởng 84 triệu USD cho ông trong năm đầu tiên.
“Gã hói” với một loạt cải tổ mạnh mẽ
Khi nhận vai trò CEO, Nadella biết sẽ phải thực hiện một cuộc cải tổ toàn diện Microsoft, không chỉ trong các chiến lược, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh mà cả văn hóa làm việc đã ăn sâu trong gốc rễ tập đoàn. Microsoft đã ngủ quên trên chiến thắng quá lâu, đây là lúc thức tỉnh và nhìn về tương lai.
Satya Nadella - người đưa Microsoft vượt mặt Apple sau chưa đầy 5 năm. Ảnh: kachwanya |
Nadella trong mắt các nhân viên là một người tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Với Satya, bất kể người đưa ra ý kiến là ai, nhân viên nhỏ hay quản lý cấp cao, ông sẽ nghe tất cả những gì họ nói một cách chăm chú, khiến mọi người cảm thấy đóng góp của mình rất quan trọng. Trong buổi họp đầu tiên với ban điều hành sau khi nhận chức CEO, ông tập trung vào vấn đề văn hóa công ty thay vì các đối tác làm ăn, cho thấy rõ quyết tâm thay đổi Microsoft từ bên trong.
Tính cách của một tập thể được định hướng bởi người đứng đầu, và khi đó là một người ân cần, chân thành và đáng tin cậy như Nadella, nhân viên Microsoft dần trở nên đoàn kết trong công việc và thoải mái khi chia sẻ ý kiến hơn. Nhân viên thậm chí có thể thoải mái đem sản phẩm của các đối thủ lên chỗ làm hay phòng họp. Đây là điều không bao giờ được chấp nhận dưới thời Bill Gates hay Ballmer.
Còn trong lĩnh vực kinh doanh, phương châm của Nadella là “Hợp tác trong những gì có thể hợp tác, cạnh tranh trong những gì có thể cạnh tranh”. Hành động đầu tiên của ông là gặp gỡ những khách hàng đã chuyển qua sử dụng sản phẩm của đối thủ. Thoát ra khỏi giới hạn của tập đoàn là cách Nadella vận hành Microsoft.
Nadella nhanh chóng giành được sự ủng hộ của nhân viên Microsoft với việc thực hiện nhiều thay đổi lớn và tức thời nhằm xử lý những vấn đề tồn tại và giành lại khách hàng.
Công cuộc cải tổ này gồm những việc chưa từng được nghĩ tới như cho phép hệ điều hành đối thủ Linux chạy trên dịch vụ đám mây Windows Azure hay ra mắt bộ công cụ văn phòng Microsoft Office cho iPad của Apple; chi 2,5 tỷ USD mua lại Mojang - studio đứng sau game bom tấn Minecraft; ra mắt ứng dụng cho iPhone và smartphone chạy hệ điều hành Android như Microsoft Outlook; bỏ qua Windows 9 để lên thẳng hệ điều hành Windows 10 hay ra mắt Microsoft Surface Boo - laptop đầu tiên của Microsoft và ra mắt kính 3 chiều Microsoft HoloLens.
Nadella cũng đứng sau nhiều thương vụ thâu tóm lớn nhất của Microsoft, gồm vụ mua lại LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD năm 2016 và gần đây hơn là thâu tóm trang chia sẻ code GitHub với giá 7,5 tỷ USD.
Đưa Microsoft trở lại ngôi dẫn đầu thế giới
Giá cổ phiếu Microsoft đã tăng 14% trong năm 2015. Tính từ thời điểm Nadella lên giữ vị trí CEO đến nay, cổ phiếu này đã tăng gần gấp 3 giá trị.
Nadella cũng nhận được sự yêu mến của nhân viên với phong cách lãnh đạo đặt trong tâm vào việc học hỏi và phạm lỗi như một rào cản chống lại thói kiêu ngạo. Các giám đốc của Microsoft cho rằng dưới sự lãnh đạo của ông, Microsoft đã tái tập trung vào những gì công ty làm tốt nhất.
Trước thềm 2019, Nadella vẫn còn nhiều thách thức phải giải quyết. Doanh số sụt giảm của mảng máy tính cá nhân đang làm cản trở tham vọng của Windows 10. Trong khi đó, Microsoft đang chật vật để đưa trợ lý cá nhân Cortana ra thị trường đại chúng. Máy chơi game Xbox One của công ty cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với Sony PlayStation 4.
Nhìn chung, vẫn còn rất nhiều thứ Satya Nadella phải làm để có thể thay đổi hẳn văn hóa bảo thủ, chậm tiến của Microsoft, khắc phục các hậu quả do Ballmer để lại cũng như đưa tập đoàn trở lại vị trí dẫn đầu trên đường đua công nghệ. Tuy nhiên với một người như Nadella, không có gì là không thể.
Vũ Đậu (T/h)