Hơn 300 triệu tấn là con số rác thải nhựa trên toàn cầu được thải ra môi trường hàng năm, trong đó 50% là nhựa dùng một lần. Ở Việt Nam, trong 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm có tới 300 tỷ chiếc túi nilon tiện lợi... Điều đáng nói, túi nilon, chai nhựa, ống hút nhựa, hộp cơm trưa văn phòng... chỉ được dùng một lần nhưng phải mất 500 - 1.000 năm sau mới phân huỷ hết.
Việt Nam đang xếp thứ 4 trên thế giới về xả thải ra biển (sau Trung Quốc, Indonisia và Philippin). |
Từ thói quen hàng ngày...
7h sáng một ngày bình thường trong tuần, bà Hoàng Thị Lan (65 tuổi, phố Minh Khai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) dắt xe máy ra khỏi nhà để đi chợ. Ngoài ví tiền và điện thoại, người phụ nữ này không mang theo bất cứ vật dụng gì để đựng đồ mang về, khác với thói quen của chính bà cách đây 40 – 50 năm là xách một chiếc làn bằng mây.
Theo chân bà Lan ra đến chợ 8/3 - ngôi chợ truyền thống nằm trên phố Quỳnh Mai, cách đó hơn 1km - chúng tôi thấy hầu hết mọi người dân khi đến chợ đều không mang theo làn, túi... Mua nửa cân thịt lợn, 5 bìa đậu, một mớ rau muống, 2 củ su hào, 2 lạng thịt bò, 4 gói xôi và 2 suất cháo cho trẻ em, bà Lan đã sử dụng tất cả 6 chiếc túi nilon và 2 cốc nhựa dùng một lần.
Trao đổi với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL), người phụ nữ này cho biết, phần lớn những chiếc túi nilon được bà tận dụng lần nữa để đựng rác thải gia đình rồi vứt ra xe rác. Khi PV đề cập vấn đề rác thải nhựa, bà Lan hồn nhiên hỏi lại: “Không đựng bằng túi nilon thì đựng bằng gì? Chẳng lẽ mang cả đống bát, đĩa đi mua thức ăn về?”.
Còn bà Lê Thị Hồng - tiểu thương bán rau củ quả tại chợ 8/3 - cho hay, việc người bán hàng phải trang bị túi nilon cho khách mang đồ về đã thành thông lệ nhiều năm nay. “Biết là làm phát sinh nhiều rác thải nhưng không thay đổi được, thậm chí có người chỉ mua một mớ rau hay mấy quả ớt cũng yêu cầu đựng trong túi nilon”, bà Hồng nói.
Chúng tôi hiểu tại sao, tại mọi gian hàng tạp hóa của khu chợ này đều có một khay lớn để ngay mặt tiền, bày bán từng cuộn túi nilon đủ màu sắc với giá bán từ 20 - 45 nghìn đồng/kg tùy kích cỡ, màu sắc. Sau khi được đựng đồ một lần, đường đi của chúng phần lớn là ra xe thu gom rác thải, rồi tập kết ở bãi rác, sau đó được chôn lấp thô sơ. Chỉ một phần rất nhỏ được tái chế hoặc xử lý bằng công nghệ xử lý rác hiện đại.
Hàng ngày, hình ảnh thường thấy trên các đường phố Việt Nam là những chiếc xe thu gom rác thải luôn cao quá đầu người bởi những bọc, bị nilon chứa rác xếp chồng lên nhau và treo lủng lẳng ở thành xe.
... đến gánh nặng cho môi trường và sức khỏe con người
Theo chân TS. Mai Hương - Phó khoa Nước, Môi trường và Hải dương học (trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) – đến labo nghiên cứu tại số 18 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), chúng tôi được tiếp cận với đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng độc hại của nhựa siêu vi trong trầm tích đến động vật đáy hồ nội thành Hà Nội” mà TS. Hương và cộng sự đang nghiên cứu. Đây là đề tài cấp Nhà nước, được thực hiện trong 36 tháng (từ 9/2019), đánh giá trên 2 hồ của Hà Nội là Hồ Tây (đại diện cho hồ tự nhiên) và hồ Yên Sở (hồ điều hòa, nhân tạo).
Theo TS Mai Hương, đến nay, một số kết quả nghiên cứu của công trình chưa được công bố song ghi nhận ban đầu cho thấy cả hai hồ nói trên đều đang bị ô nhiễm nặng nề, trong đó rác thải từ vi nhựa chiếm tỷ trọng lớn. Nó có nguồn gốc từ công nghiệp dệt vải, mỹ phẩm... nhưng chủ yếu phát sinh từ rác thải sinh hoạt và các nhà máy xử lý rác thải nhựa.
Số liệu từ bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho hay, rác thải nhựa hiện nay chiếm 12% lượng chất thải rắn của Việt Nam. Nếu không được tái chế, 2,5 triệu tấn rác thải nhựa hàng năm sẽ được xả thẳng ra môi trường. Hiện Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới trong danh sách những quốc gia xả thải nhiều nhất ra biển (sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines), với khoảng 700 nghìn tấn rác thải mỗi năm.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, ước tính của sở TN&MT Thành phố cho biết, trong năm 2017 có 80 nghìn tấn túi nilon được thải bỏ ra môi trường song đáng lo ngại, tỉ lệ túi nilon được thu gom, tái chế bởi các công ty xử lý chất thải chỉ đạt 38%.
Trao đổi với PV ĐS&PL, một chuyên gia tại viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo: Chúng ta sống trong môi trường có vi nhựa (hạt nhựa nhỏ dưới 5mm – PV) ở khắp nơi, kể cả khi ngủ và thở. Các hạt, mảnh vi nhựa có trong nước chúng ta uống, trong hải sản chúng ta ăn, trong không khí chúng ta thở. Theo thống kê, trong 5 gram muối có 3 hạt vi nhựa, 1 lít nước đóng chai dùng 1 lần có 28 - 241 hạt vi nhựa, 1 suất ăn hải sản trung bình có 90 hạt nhựa, thậm chí có khoảng 70 nghìn hạt nhựa nhỏ rơi xuống bàn ăn của chúng ta mỗi lần ăn...
“Nhựa là một chất trơ khó phân hủy, do đó những hạt vi nhựa này sau khi đi vào cơ thể con người, tùy điều kiện nhất định, có thể gây dị ứng, đau đầu chóng mặt, rối loạn chức năng, tắc nghẽn thành ruột, mất cân bằng ô xy hóa, ảnh hưởng đến chuyển hóa của gan... Nếu đủ nhỏ để đi vào tế bào, nó sẽ va vào thành tế bào rồi gây vết thương, làm thay đổi cấu trúc tế bào và đây chính là nguyên nhân gây ung thư”, vị chuyên gia nhận định.
Minh Minh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 183