Ở làng Sancang, thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) xuất thân của Ngô Tuấn Vĩ là một "bí mật mở", người lớn tuổi đều biết cậu là con nuôi của vợ chồng vợ chồng Ngô Phúc Chi và Ngô Đông Khánh, nhưng riêng cậu thì không.
Cuối tháng 6/1996, ông bà Ngô Phúc Chi và Ngô Đông Khánh biết tin có gia đình người Thiểm Tây muốn cho cho trai vì họ đã đủ con trong khi chính sách kế hoạch hóa của địa phương rất khó.
Vợ chồng bà Phúc Chi có hai con gái nên chấp nhận đóng 6.000 tệ tiền phạt và đưa cha mẹ của bé 4.000 tệ cảm ơn. "Khi tôi ôm đứa trẻ rời đi, cha ruột thằng bé đứng tựa cửa phòng khám nhìn theo nhưng không nhúc nhích. Tôi khai sinh thằng bé là con ruột, vẫn giữ tên Tuấn Vĩ cha mẹ đẻ đặt cho nó", bà nói.
Ngô Tuấn Vĩ lớn lên bình yên cùng gia đình cha mẹ nuôi, được cho ăn học bình thường. Năm 17 tuổi, Tuấn Vĩ quyết định bỏ thi đại học để ra thành phố làm việc. Anh kể, cha luôn yêu cầu "phải tiết kiệm để mua nhà cưới vợ" nên tiền làm được đều gửi về nhà cho mẹ.
Vì con bỏ học, bà Phúc Chi phải lo mai mối, tìm vợ cho từ sớm. Cuối năm 2018, Tuấn Vĩ lấy vợ khi vừa bước sang tuổi 22. Quá trình tìm vợ và tổ chức hôn lễ cho con trai khiến vợ chồng bà tốn một khoản tiền lớn. Nhưng Ngô Tuấn Vĩ cho rằng mình phải ra ngoài làm việc sớm và lập gia đình là kế hoạch của mẹ, dù anh không muốn vẫn phải làm theo.
Sau khi kết hôn Tuấn Vĩ không thể gánh vác được chi phí gia đình bởi lương chỉ 2.000 tệ một tháng, nên luôn tìm mẹ hỗ trợ. Một ngày đầu tháng 11/2019, bà Chi biết con trai sẽ đến nên đã ra cây ATM rút 2.500 tệ cho con trả hóa đơn sưởi ấm. Nhưng khi đưa, Tuấn Vĩ hỏi xin thêm tiền điện nước, bà lại rút thêm 200 tệ. Người con trai cho rằng như thế là quá ít. Hai bên nói qua nói lại, người con ném những tờ tiền xuống đất rồi quay người bỏ đi.
Tối hôm sau, bà Phúc Chi nhận được điện thoại của con trai hỏi về gốc gác của mình. Bà lần đầu thừa nhận Tuấn Vĩ là con nuôi. Anh con trai kết luận: "Bà đang mua bán trẻ em và sẽ bị kết án 5-6 năm tù".
Trong hơn một năm rưỡi chiến tranh lạnh, ông Ngô Đông Khánh gọi điện thoại cho con trai nhiều lần nhưng không nghe máy. Ông nhờ thông gia, họ hàng, thậm chí cả bạn học cấp 2 của con bảo về nhà nhưng không có hồi âm. Ngay cả lúc bà Chi bị ngã gãy tay phải nằm nhà suốt ba tháng, Tuấn Vĩ cũng không một cuộc gọi hỏi thăm.
Tháng 3/2021, bà Phúc Chi kiện con trai nuôi ra tòa, yêu cầu chấm dứt quan hệ cha mẹ - con nuôi và bồi thường tổn thất tinh thần, nuôi dưỡng, mua ôtô và sính lễ cho đám cưới, tổng cộng 600.000 tệ.
Dù quyết tâm khởi kiện, bà vẫn mong con nhận lỗi, hàn gắn. Trước phán quyết cuối cùng, tòa án nỗ lực hòa giải lần cuối, yêu cầu Tuấn Vĩ đưa vợ con về nhà thăm cha mẹ nuôi trong vòng 10 ngày. Bà Chi đồng ý với kế hoạch, nhưng đợi đến đêm thứ 10, đứa con nuôi không xuất hiện.
Cuối cùng, tòa án huyện Long An, thành phố An Dương phán quyết: Xét công nuôi dưỡng của vợ chồng Ngô Phúc Chi và đóng góp tài chính của Ngô Tuấn Vĩ, người con phải bồi thường 270.000 tệ cho cha mẹ nuôi.
Trường hợp khác, một cặp vợ chồng người Ấn Độ đã kiện con trai ra tòa, yêu cầu hai vợ chồng con phải sinh một đứa cháu trong vòng một năm, nếu không sẽ phải trả cho họ khoản tiền trị giá gần 650.000 USD.
Trình bày lý do, ông Sanjeev và bà Sadhana Prasad nói rằng họ đã vắt kiệt tiền tiết kiệm để nuôi dạy con trai và chi trả cho đám cưới xa hoa của con. Và bây giờ họ muốn hoàn vốn.
Theo tờ Times of India, cụ thể, ông Sanjeev và bà Sadhana Prasad yêu cầu được trả 50 triệu rupee (646.000 USD), bao gồm chi phí tiệc cưới ở khách sạn năm sao, một chiếc xe hơi sang trọng trị giá 80.000 USD và chi phí cho tuần trăng mật của vợ chồng người con trai ở nước ngoài.
Cặp vợ chồng Sanjeev và Sadhana Prasad cũng chi 65.000 USD cho con trai học làm phi công ở Mỹ nhưng cuối cùng anh ta quay về Ấn Độ và thất nghiệp.
Ấn Độ có truyền thống lâu đời về những gia đình nhiều thế hệ. Theo đó, ông bà, cháu trai, cô và chú thường sống trong cùng một hộ gia đình.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng này đã thay đổi. Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trẻ không muốn sống cùng cha mẹ và người thân. Trường hợp của gia đình ông Sanjeev và bà Sadhana Prasad, con cái của họ chọn sống riêng và đi làm, thay vì sinh con và ở cùng nhà quây quần bên cha mẹ.
Thu Hương(T/h)