Cầu đi vào nhà ông chủ tịch xã?
Thời gian gần đây, trước sự kiện cầu Khe Tây, thuộc xóm 6, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, có mức đầu tư tiền tỉ, vừa được xây dựng xong, đã xuất hiện quá nhiều ý kiến trái chiều và tên gọi khác nhau cho cây cầu này. Theo một số ý kiến, mức tiền đầu tư xây dựng không nhỏ, nhưng cây cầu này chỉ để phục vụ việc đi lại cho 2 gia đình, trong đó có nhà ông Vũ Khắc Hội, Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ!?
Cây cầu này có thiết kế thuôn dài nhưng hẹp bề ngang, mặt cầu rộng 1,9m, tải trọng chỉ 0,5 tấn, chiều dài khoảng 200m; từ thân cầu, trụ cầu, 2 bên mố cầu, thành cầu, mặt cầu, cáp treo đều làm bằng thép. Với thiết kế này, cầu Khe Tây chỉ phục vụ cho người, xe máy và xe bò lốp qua lại mà thôi.
Cầu dân sinh Khe Tây được cho là đáp ứng nhu cầu đi lại của 43 hộ dân? |
Được biết, đây là một trong những cây cầu thuộc dự án Nhịp cầu thân thương, do bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, thuộc nguồn kinh phí Nhà nước. Ở Hà Tĩnh, có 4 cây cầu nằm trong dự án này. Đứng từ cầu Khe Tây có thể nhìn thấy cách đó khoảng 150m, có một cây cầu khác, hiện vẫn phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho bà con nơi đây.
Trong khi đó, tại khu vực dân sinh của xóm 6, có cái tràn đang nằm trong diện cấp bách cần được nâng cấp. Bao năm nay, để có thể đi lại, một số hộ dân trong xóm 6 đã góp tiền đổ đất, đá đắp một cái tràn đi qua con khe (chưa rõ tên). Tuy nhiên, cứ đến mùa mưa lũ, nước về mạnh lại đẩy hết “lớp thịt” của tràn đi, khiến gần 20 hộ dân sống ở bờ bên kia bị cô lập. Khi lũ đi qua, nước rút, bà con lại chung tay góp tiền, góp sức để đắp tràn. Vậy mà thay vì đặt cầu ở đây, chính quyền lại tiến hành xây dựng ở vị trí cạnh cây cầu vẫn còn sử dụng tốt.
Từ những lý do trên, bà con không khỏi thắc mắc, xì xào về cây cầu mới và vị trí đặt của nó. Một số người dân nói rằng đây là “cầu quan”, nghĩa là dành riêng cho ông “quan xã”!?
Giải mã vị trí cây cầu
Để tìm hiểu rõ thực hư những phản ánh của người dân, chúng tôi đã xuống tận địa bàn. Đúng là nhìn từ trục đường chính sang bên kia cầu, chỉ thấy có hai hộ dân. Nhưng đi theo con đường nhỏ chạy qua nhà ông Nguyễn Khắc Hội, Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ và nhà ông Nguyễn Tiến Cát vào sâu phía trong, còn có rất nhiều hộ dân đang sinh sống. Vậy, liệu cây cầu này có phải chỉ để phục vụ cho hai gia đình ông Hội và ông Cát như phản ánh hay dành cho cả những hộ dân sống trên con đường nhỏ này?
Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Khắc Hội, với tư cách là Chủ tịch xã Sơn Thọ cho biết: “Trước phản ánh của một số người dân, UBND huyện cũng đã yêu cầu xã Sơn Thọ giải trình. Vùng dân cư Khe Bùn – Eo Nầm thuộc xóm 6 có 26 hộ dân sinh sống, sản xuất nằm bên sườn núi Khe Tây, bị bao bọc bởi hai con suối là khe Trươi và khe Tiên.
Ông Nguyễn Khắc Hội, Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ trao đổi với PV |
Vào mùa mưa lũ, nơi đây bị cô lập hoàn toàn. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của UBND huyện Vũ Quang, UBND xã Sơn Thọ đã lập quy hoạch và được UBND huyện Vũ Quang, cũng như tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt. Từ trục đường chính Khe Ná - Chi Lời (đi từ đường Hồ Chí Minh vào xã Hương Điền và xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn) để đi vào khu dân cư này có hai con đường. Một đường đi qua nhà ông Hội và một đường đi từ phía tây cầu Gãy rẽ vào đường đất đi vòng qua khe Tiên để vào.
Cả hai con đường đều phải đi qua suối. Cầu Gãy là một công trình thuộc tuyến đường chính Khe Ná – Chi Lời chứ không phải đường đi vào vùng dân cư này. Khi có chủ trương của bộ GTVT xây dựng cầu dân sinh, UBND xã đã đề nghị UBND huyện Vũ Quang, sở GTVT Hà Tĩnh xây dựng cầu treo nối vùng dân cư này với đường Khe Ná – Chi Lời.
Qua khảo sát tư vấn thiết kế thì tuyến đường qua nhà tôi là gần nhất, phù hợp với quy hoạch đã được duyệt”. Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ cũng đồng ý với ý kiến trên: “Chúng tôi thấy việc xây dựng cầu treo là cần thiết và vị trí hiện tại xây dựng cầu là hợp lý, khách quan”.
Để hiểu rõ hơn về dự án cầu treo dân sinh Khe Tây, chúng tôi đến gặp ông Phan Văn Trung, Giám đốc sở GTVT Hà Tĩnh, đơn vị tư vấn quản lý dự án. Ông Trung cung cấp thông tin, nằm trong chuỗi Nhịp cầu yêu thương, tại Hà Tĩnh có 4 cái.
Đề án cầu treo này, tổng cục Đường bộ là chủ đầu tư, ban Quản lý dự án 3 (gọi tắt là Ban 3) là đại diện chủ đầu tư. Còn đơn vị tư vấn thiết kế cũng của bộ GTVT chỉ định, dàn theo lịch trình 1 mẫu và do Bộ đánh giá, kiểm chứng. “Chúng tôi cũng có nghe một số phản ánh về cầu Khe Tây. Tuy nhiên, quy trình là từ xã đề nghị lên huyện, huyện phê duyệt nếu thấy hợp lý, rồi trình lên Sở. Sau khi xem xét, góp ý và bổ sung, chúng tôi sẽ trình ra Bộ”, ông Trung cho hay.
Là cán bộ kỹ thuật trực khảo sát, tư vấn thiết kế công trình, anh Nguyễn Quý Trung được cử đến làm việc với PV. Anh Trung trình bày: “Nếu đứng từ bên kia cầu nhìn sang thì đúng là có hai hộ dân sinh sống. Nhưng vị trí cầu được xây dựng trên cái khe cũ, đi sâu vào trong 400m, có 4, 5 hộ dân. Tiếp tục đi vào nữa còn có nhiều hộ gia đình khác.
Trong quá trình đi khảo sát thực tế, chính tôi đã đi bộ vào tận đó. Nói, cây cầu chỉ phục vụ hai hộ dân là không đúng. Còn việc đi qua nhà Chủ tịch xã chỉ là trùng hợp. Hiện tại có sẵn một đường đi qua đó rồi, sau khi khảo sát, chúng tôi xét thấy vị trí này là con đường ngắn nhất đi vào cụm dân cư ấy. Còn từ cầu Gãy đi vào vùng dân cư đó xa hơn nhiều. Khi có phản ánh trái chiều về cây cầu Khe Tây, UBND huyện Vũ Quang đã yêu cầu UBND xã Sơn Thọ giải trình. Đi kèm với báo cáo của UBND xã có chữ ký đồng thuận của 43 hộ dân sống và có đất trong khu vực đó”.
Nhiều khu dân cư cần cầu thân thương hơn Anh Trần Huy Minh, một hộ dân sống tại xóm 6, nhà sát cạnh chiếc tràn đã nhắc ở trên phân trần: “Nhà tôi ở trước con tràn này, về mùa mưa lũ rất vất vả. Chúng tôi rất cần cầu, nhưng nếu xét cho khách quan, tôi và bà con ở đây vẫn cho rằng, đặt vị trí cầu Khe Tây như hiện tại là hợp lý. Có rất nhiều hộ dân trong đó cần một cây cầu để qua khe”. |
NHÓM PVMT
Xem thêm video:
[mecloud]ZfuzRTfHYX[/mecloud]