Theo Jornal Razão, cậu bé tên là Arthur Emanuel Bitencourt, 7 tuổi sống ở Brazil. Trong bức ảnh cuối cùng mà cậu bé chụp là cảnh giơ ngón tay cái lên tạo dáng khi ngồi giữa đống vật liệu xây dựng.
Được biết, đống bột mà cậu bé Arthur đã nhảy vào để chụp ảnh là đá vôi được nghiền mịn. Chúng nằm trong khuôn viên của một gia đình ở Ipiranga, bang Parana, phía nam Brazil.
Khi cậu bé được đưa đến bệnh viện, các bác sỹ xác định cậu đã qua đời. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân cái chết đột ngột của Arthur là do hít phải bụi bột vôi.
Sau đó, gia đình của Arthur đã đăng tấm hình cuối cùng của cậu bé lên mạng xã hội như một lời cảnh báo cho mọi người.
Chú của Arthur là Romaldo Bitencourt viết chú thích cho bức ảnh: "Đây là hình ảnh cuối cùng được ghi lại trước cái chết bi thảm do hít phải bụi đá vôi khi cậu bé khi đang chơi... Những ký ức này, tôi sẽ lưu giữ làm kỷ niệm, đứa cháu thân yêu của tôi sẽ mãi mãi là đẹp nhất".
Người thân tuyên bố họ không biết về những rủi ro khi tiếp xúc với đá ở trạng thái nghiền thành bột. Hiện cảnh sát địa phương đang mở cuộc điều tra về cái chết của Arthur.
Viện Nghiên cứu Công nghệ Brazil (IPT) cho biết, bụi đá vôi có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và khuyên mọi người nên đeo thiết bị bảo hộ khi sử dụng. Bột đá vôi có thể gây tổn thương phổi, ung thư, đặc biệt khi tiếp xúc lượng lớn và thường xuyên.
Đá vôi nguyên dạng sẽ không gây hại cho sức khỏe nếu được sử dụng đúng cách và trong điều kiện thích hợp. Tuy nhiên khi được nghiền thành bột hoặc bụi, chúng sẽ trở nên nguy hiểm khi bị hít phải. Các hạt nguy hiểm trong đá vôi là silica tinh thể, còn được gọi là thạch anh.
Theo Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp, silica tinh thể có hạt nhỏ hơn 100 lần so với hạt cát thông thường. Việc hít phải nó có thể dẫn đến ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bụi phổi silic và bệnh thận.
Bệnh bụi phổi silic gây viêm và để lại sẹo khi các hạt mắc kẹt trong mô phổi, làm giảm khả năng hấp thụ oxy của phổi. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tình trạng này dẫn đến bệnh phổi vĩnh viễn và có thể gây tử vong. Thông thường, bệnh bụi phổi silic mạn tính xảy ra sau hơn 10 năm tiếp xúc.
Như Quỳnh(T/h)