Theo báo Người lao động, sáng 4/8, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP.HCM cho hay vừa nội soi cấp cứu một bệnh nhi là bé T.T.K. (7 tuổi, ở TP HCM) trong lúc vui đùa đã nuốt dị vật kim loại nhọn.
Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ phát hiện trong ổ bụng bé có dị vật sắt nhọn, đã can thiệp lấy ra một que chọc sim điện thoại.
Theo BS.CKII Trương Ngọc Nhã, Trưởng Khoa Nội soi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, gần đây xảy ra rất nhiều tai nạn ở trẻ nuốt phải dị vật rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng nếu không phát hiện và xử trí kịp thời.
Trước đó, thông tin từ Bộ Y Tế, ngày 3/5, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn T.Đ. (32 tháng tuổi, trú tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) được chẩn đoán dị vật đường tiêu hóa.
Gia đình bệnh nhi cho biết: Trước khi nhập viện khoảng 2h, gia đình phát hiện trẻ nhỏ ở nhà hiếu động đã nuốt nhầm đinh ốc vít, sau đó đau bụng từng cơn, quấy khóc, buồn nôn… nên gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để thăm khám.
Kết quả chụp X-quang cho thấy có 1 di vật cản quang trong ống tiêu hóa cao, các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường. Bệnh nhân được điều trị, chăm sóc, theo dõi sát tình trạng bụng tại khoa Ngoại Tổng hợp của bệnh viện và chụp phim X-quang nhiều lần theo dõi sự di chuyển của chiếc đinh ốc đề phòng các biến chứng thủng ruột nếu xảy ra sẽ được phẫu thuật cấp cứu ngay.
Rất may mắn là sau 3 ngày, bệnh nhi đại tiện được ra chiếc đinh vít nên đã được xuất viện.
Tương tự như trường hợp bệnh nhân Đ., khoa Ngoại Tổng hợp cũng đã điều trị thành công cho 1 bệnh nhi 2 tuổi nuốt 3 cục nam châm tròn nhỏ. May mắn bệnh nhi đã đại tiện được 3 cục nam châm ra ngoài mà không bị hoại tử và thủng ruột.
BSCKI Phạm Thanh Thịnh – Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết:
Trẻ nhỏ thường hiếu động, các gia đình cần trông nom trẻ cẩn thận, không để trẻ tự nhặt đồ vật cho vào miệng như: viên nam châm, ốc vít, nắp bút, cúc áo, đồ chơi nhỏ sắc nhọn…
Nếu dị vật đi vào đường thở rất nguy hiểm, một khi đi vào ruột thì có nguy cơ gây tắc ruột, hoại tử ruột muộn hoặc thủng ruột.
Bác sĩ Thịnh cũng khuyến cáo, khi thấy trẻ có dấu hiệu đau bụng, quấy khóc, bụng chướng, buồn nôn, nôn… các gia đình nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để có phương án xử lý tốt nhất và an toàn nhất cho bệnh nhân, kịp thời tránh được các biến chứng nặng nề xảy ra.
Nguyễn Linh(T/h)