+Aa-
    Zalo

    Cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo: Không giảm được tiêu cực, thêm áp lực kiểu “mua dây buộc mình"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phó Chủ tịch hội Cựu giáo chức Việt Nam kiến nghị, Việt Nam nên có chế độ cấp chứng chỉ hành nghề dạy học để kiểm soát chất lượng của giáo viên trong thực tế hành nghề.

    Trong hội thảo Góp ý các nội dung về chính sách Nhà giáo trong Dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) do cục Nhà giáo, bộ GD&ĐT vừa tổ chức, ông Lê Quán Tần, Phó Chủ tịch hội Cựu giáo chức Việt Nam đã kiến nghị, Việt Nam nên có chế độ cấp chứng chỉ hành nghề dạy học để kiểm soát chất lượng của giáo viên trong thực tế hành nghề.

    Đừng vẽ thêm phức tạp

    Trao đổi về vấn đề này, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp nêu quan điểm: “Hiện nay, chứng chỉ hành nghề giáo viên của Việt Nam chưa có gì đủ làm điều kiện chứng tỏ nâng cao chất lượng của người học, minh chứng phục vụ chất lượng học sinh. Phải xây dựng từ tiêu chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, đổi mới công tác đào tạo, chương trình đào tạo bồi dưỡng của các trường đào tạo sư phạm, đào tạo lý thuyết giỏi chưa chắc thực hành đã thạo. Cũng như khi đi học lái xe mà chỉ tiếp cận lý thuyết, có khi vẫn không lái được. Giáo viên cũng cần kỹ năng, thao tác nghiệp vụ, dựa theo khung trình độ quốc gia, phân ra các chuẩn trung cấp, cao đẳng, đại học...”.

    Cũng nên lưu ý, hệ thống tại Việt Nam còn bất cập, mới chỉ yêu cầu giáo viên có chứng chỉ tiếng Anh B1, B2 thôi đã tạo một thị trường hết sức sôi động, tấp nập mua bán chứng chỉ. Nhà nước phải chú ý tạo điều kiện để giáo viên phải được cải thiện suốt đời, liên tục được cập nhật.

    GS. TS. Phạm Tất Dong cũng nhận định: “Số giáo viên làm sai lệch cũng không phải bộ phận quá đông đảo, nếu lấy lý do đó để đưa ra chứng chỉ hành nghề thì chỉ như một hình thức đối phó, có chống mà không có xây.

    Giáo viên vi phạm, tùy theo mức độ mà bị xử phạt theo luật hiện hành. Chúng ta không cần phải “vẽ” thêm ra cho phức tạp và rối rắm".

    PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ gợi ý nên gộp các tiêu chí cấp chứng chỉ hành nghề vào chương trình đào tạo sư phạm.

    Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT bày tỏ: “Theo tôi, không nên bày thêm ra chứng chỉ hành nghề. Thực chất, chứng chỉ hành nghề là cái để đánh giá xem trong quá trình đào tạo, thực tập sư phạm, đã đủ điều kiện giảng dạy hay chưa. Bằng tốt nghiệp cũng đã làm nhiệm vụ đó rồi, đó đã là một chứng chỉ hành nghề rồi. Vì lý do gì lại phải bày thêm ra? Nên đơn giản, bớt các giấy tờ trung gian cho nhẹ nhàng, tránh đặt quá nhiều áp lực lên vai các nhà giáo, bày ra thêm phức tạp, tốn thời gian, lãng phí.

    Thực tế, bày ra chứng chỉ hành nghề, lại phải qua một quá trình học tập, kiểm soát nào đó, chưa chắc đã đảm bảo và trong khi, sinh viên đã trải qua 4 năm học tại trường sư phạm, vẫn không bằng quá trình kiểm soát kia hay sao?”.

    Ông Nhĩ cũng cho rằng: “Muốn khắc phục, ngăn chặn những sai phạm, chỉ cần siết chặt trong luật Giáo dục. Trong khi xảy ra sai phạm, tiêu cực gì, căn cứ vào luật để xử lý, thấy cần thiết thì siết luật, căn cứ theo luật mà làm, không cần phải vẽ thêm ra. Chưa chắc gì bây giờ thêm một cái giấy để cấp trung gian nữa, tức là sẽ phải cấp thêm hàng triệu cái giấy,  không khéo lại sinh ra tiêu cực, phức tạp thêm”.

    Đồng quan điểm đó, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh cũng cho rằng: “Nhà giáo đã có bằng đại học Sư phạm, cần gì có thêm chứng chỉ hành nghề? Có chăng, chỉ là chứng chỉ hành nghề của một trường, trong trường hợp, đó không phải trường quốc lập”.

    “Tương tự, khi một bác sĩ mở cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thì cần có chứng chỉ được phép mở phòng mạch riêng. Trong trường hợp, nhà giáo tự mình thành lập một trường học tư nhân, ví dụ, tôi muốn thành lập trường tiểu học và THCS Nguyễn Siêu, phải có đề án rõ ràng được quyết định mở trường... Còn đối với các nhà giáo làm việc cho các trường công lập, ngoài công lập thì không cần thêm chứng chỉ”, ông Vĩnh phân tích.

    Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định: “Nhà giáo mà vi phạm kỷ luật, theo quy định đã có các hình thức kỷ luật, xưa nay vẫn được áp dụng. Ví dụ, lỗi đánh học sinh, căn cứ theo luật mà xử lý, sao phải vẽ ra lắm thứ không cần thiết”. 

    Nên gộp vào chương trình đào tạo trong trường sư phạm

    PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ gợi ý: “Tất cả những tiêu chí mà Nhà nước muốn đánh giá, muốn bổ sung thêm thì nên đưa hết vào mô hình đào tạo ở trường sư phạm, đến khi kết thúc chương trình, chỉ cần cấp một tấm bằng tốt nghiệp, có nghĩa là, đã đạt đủ hết yêu cầu của quá trình đánh giá, thực tập.

    Nếu muốn thử thách thêm, sau khi sinh viên hoàn thành các năm học ở trường sư phạm, chưa cần cấp bằng ngay, yêu cầu thêm một năm thực tế hành nghề ở một trường nào đó, đạt thì mới cấp bằng. Nhưng phải thiết kế quá trình đào tạo chỉn chu, đánh giá chất lượng trong nhà trường phải có trách nhiệm, chỉ đạo tổ chức thi, kiểm tra có chất lượng để có đầu ra tốt, làm sao khi kết thúc chương trình sư phạm, sinh viên đã có đầy đủ tất cả kiến thức, kỹ năng, phẩm chất. Lúc đó, tấm bằng tốt nghiệp sư phạm là cái yêu cầu cuối cùng để hành nghề”.

    Đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên vấp phải nhiều quan điểm trái chiều. (Ảnh minh họa)

    Anh Lê Minh Tú (TP.Hồ Chí Minh)  cho rằng: “Việc cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên chính là “đẻ” ra giấy phép con. Muốn giáo viên dạy tốt, nên cởi bỏ áp lực cho họ thay vì cứ tìm cách siết thêm”. Anh Trần Đức (Hà Nội) bày tỏ: “Đừng nghĩ cấp chứng chỉ hành nghề là giải quyết được mọi tồn đọng của giáo dục. Nhìn lại lịch sử, bất cứ một quy định nào về bằng cấp, chứng chỉ cũng sinh ra những biện pháp đối phó. Hãy làm kỹ luật Giáo dục, rồi cứ thế mà áp dụng theo luật, ai phạm luật thì bị sa thải”.

    Theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT đại học FPT, chứng chỉ hành nghề sẽ chỉ là một “tờ giấy” dán thêm lên một cái đang có, làm sao để kiểm soát chất lượng: “Hiện tại, để trở thành nhà giáo, cũng đã có sẵn một số tiêu chuẩn. Nếu cần thêm một chứng chỉ, cần trải qua một khóa học, thì nên đưa luôn nội dung đó vào chương trình trong trường đại học, cao đẳng Sư phạm”.

    Ông nhận định: “Giả sử, xuất hiện nhiều người không có trình độ sư phạm cũng đi dạy thì mới cần có chứng chỉ để kiểm soát, nhưng thực tế đâu phải như vậy. Chẳng hạn, nhiều người không có bằng bác sĩ vẫn khám, chữa bệnh, khiến nhiều người không biết ai là bác sĩ để giao sức khỏe và tính mạng.

    Nhưng câu chuyện nhà giáo chưa xảy ra đến vấn đề đó. Làm gì có ai bảo “Tôi là giáo viên” là người ta lao vào học ngay đâu. Hiện nay, giáo viên thường gắn với các tổ chức cụ thể, đã có cơ chế kiểm soát chất lượng. Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng chuẩn nhà giáo, sao lại phải thêm thủ tục, khi không mang lại lợi ích gì thì bớt được thủ tục sẽ tốt hơn”.

    “Một số nước như Phần Lan, nhà giáo là một lực lượng khá tinh hoa, để đi dạy là phải đạt trình độ tương đương thạc sĩ. Họ là những người đã tốt nghiệp những ngành về chuyên môn như Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử , Địa,... Sau khi tốt nghiệp đại học, họ đi học thêm về nghiệp vụ, tương đương thạc sĩ, khi đó mới đi dạy. Nhưng mô hình đó khác hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay. Tất cả nghiệp vụ sư phạm, đạo đức nhà giáo,... đã được dạy trong các trường đại học sư phạm”, ông Tùng nói thêm.

    Nếu cấp chứng chỉ cần có hiệp hội về giáo viên GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (bộ GD&ĐT) cho rằng: “Theo tôi, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên chỉ có thể thực hiện được nếu ở Việt Nam có một hiệp hội về giáo viên, hoạt động thật nghiêm túc, có hệ thống thật chặt chẽ để đảm bảo cấp chứng chỉ hành nghề chính xác. Nếu không có những tổ chức như thế thì chưa có đại diện để thực hiện, đây không phải là việc dễ dàng, cần một hiệp hội có năng lực, trình độ, chuyên môn, chặt chẽ như các hiệp hội nghề nghiệp ở nước ngoài”.
    Cẩm Mịch

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 10
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cap-chung-chi-hanh-nghe-cho-nha-giao-khong-giam-duoc-tieu-cuc-them-ap-luc-kieu-mua-day-buoc-minh-a259891.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan