+Aa-
    Zalo

    Cảnh giác "bẫy" tín dụng đen dịp cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

    (ĐS&PL) - Lợi dụng tâm lý cần tiền vào cuối năm, nhiều đối tượng đã tự phát dịch vụ cho vay tiền “cấp bách” với lãi suất cao để kiếm lời, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Những hình thức vay nợ "bẫy" trong dịp Tết

    Càng gần Tết Nguyên đán, rất nhiều người dân phải đối mặt với những áp lực tài chính khi chi tiêu cho các nhu cầu mua sắm, quà Tết, ăn uống và các hoạt động xã hội. Trong bối cảnh đó, "vay nóng" trở thành một giải pháp nhanh chóng, dễ dàng để đáp ứng nhu cầu tiền bạc cấp bách. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các tổ chức tín dụng đen, cho vay nặng lãi lợi dụng tâm lý người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo, gây hậu quả nghiêm trọng.

    Các bài đăng cho vay tiền trên hội nhóm facebook với thủ tục nhanh gọn thu hút nhiều lượt quan tâm.

    Các bài đăng cho vay tiền trên hội nhóm facebook với thủ tục nhanh gọn thu hút nhiều lượt quan tâm.

    Trên các trang mạng xã hội, có rất nhiều hội nhóm cho vay tiền nhanh chóng, hoạt động công khai. Với thủ tục đơn giản, không cần thế chấp tài sản là những ưu điểm của các dịch vụ vay nóng mà nhiều tổ chức, cá nhân đưa ra trong dịp Tết. Tuy nhiên, chính những đặc điểm này lại là "bẫy" mà nhiều người dân không thể nhận diện ngay lập tức.

    Các hình thức vay nợ này thường được quảng bá dưới dạng cho vay không cần giấy tờ, chỉ cần chứng minh thu nhập qua vài bước đơn giản như gửi ảnh chụp CMND, hợp đồng lao động, hoặc cung cấp số tài khoản ngân hàng. Với lãi suất cực kỳ cao, thường là "lãi suất ngầm" không được công khai rõ ràng, người vay dễ dàng bị cuốn vào một vòng xoáy nợ nần không có điểm dừng.

    Trên thực tế, đã có không ít người dân khi nhận tiền vay lại không rõ ràng về lãi suất thực tế mà họ phải trả. Họ bị "cho vay nhanh" mà không được thông tin đầy đủ về điều khoản hợp đồng, hoặc các khoản phí phát sinh ngoài lãi suất. Đến khi đến kỳ trả nợ, khoản tiền vay trở thành một "gánh nặng" khổng lồ, khiến nhiều người phải vay tiếp để trả nợ, rơi vào vòng luẩn quẩn của các khoản vay.

    Ngày 4/1 vừa qua, cơ quan công an tỉnh Lâm Đồng vừa khởi tố một nhóm chuyên cho vay lãi suất đến hơn 830%/năm. Khi có người liên hệ vay tiền, các đối tượng trực tiếp đi xác minh nơi ở, nghề nghiệp của người vay. Khi cho vay, chúng cho người vay viết giấy vay tiền và giữ lại giấy tờ tuỳ thân (CMND, CCCD, giấy phép lái xe, đăng ký xe…).

    Các đối tượng cho vay tiền với lãi suất “cắt cổ” lên tới hơn 830%/ năm.

    Các đối tượng cho vay tiền với lãi suất “cắt cổ” lên tới hơn 830%/ năm.

    Hình thức vay chủ yếu là vay tiền góp (trả tiền gốc và lãi theo ngày) và vay tiền đứng (trả gốc lãi theo ngày, trả lãi ngày). Các đối tượng này phát các danh thiếp cho vay tiền kèm số điện thoại ở nơi công cộng, chạy quảng cáo trên Facebook. Mức lãi suất từ 304%/năm đến hơn 830%/năm. Trường hợp người vay chậm trả, các đối tượng sẽ nhắn tin, gọi điện thoại đe doạ. Hoặc nhóm này đến nơi làm việc, nơi ở để gây áp lực, buộc người vay phải trả tiền.

    Cẩn trọng với "bẫy" vay nợ nhanh dịp Tết

    Trao đổi với PV ĐS&PL, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho biết: “Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên nhiều đối tượng sẽ mở ra dịch vụ cho vay với hình thức “tín dụng đen”. Các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần cảnh báo người dân về các hình thức cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Chúng tôi khuyến cáo người dân nên hạn chế tối đa việc vay nợ từ những tổ chức này, bởi họ hoạt động ngoài vòng pháp luật, không được các cơ quan thẩm quyền cho phép và không bảo hộ người vay”.

    Cũng theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, nếu trong trường hợp bất khả kháng phải vay, người dân cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng về lãi suất, các khoản phí phát sinh và hình thức trả nợ trước khi tiến hành vay. Không nên tin vào những lời mời gọi hấp dẫn về khoản vay nhanh chóng với lãi suất "siêu rẻ". Chỉ vay khi thực sự cần thiết và có kế hoạch trả nợ rõ ràng.

    Bên cạnh đó, người dân cần cảnh giác với các dấu hiệu lừa đảo và chỉ nên lựa chọn vay tiền từ các tổ chức tín dụng được cấp phép hoạt động, như ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính có giấy phép rõ ràng. Các tổ chức này sẽ cung cấp hợp đồng minh bạch và rõ ràng. Khi xảy ra vấn đề tranh chấp giữa hai bên thì pháp luật sẽ bảo vệ quyền lợi của người vay.

    Người vay hoàn toàn có quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng hoặc cá nhân cho vay cung cấp thông tin đầy đủ về lãi suất, điều khoản hợp đồng và các khoản phí liên quan. Nếu có bất kỳ dấu hiệu gian lận nào, người vay có thể trình báo cơ quan công an hoặc các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được giải quyết.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/canh-giac-bay-tin-dung-en-dip-can-tet-nguyen-an-at-ty-2025-a497777.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan