Cảnh báo trên được đưa ra sau khi một nhóm nghiên cứu Nhật Bản thu thập muỗi Aedes aegypti ở Việt Nam, Campuchia và một số quốc gia khác để kiểm tra khả năng kháng hóa chất diệt côn trùng của chúng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, ngay cả khi nồng độ hóa chất diệt côn trùng được nâng lên gấp 10 lần so với nồng độ thông thường thì khoảng 80% số muỗi thu thập được tại Hà Nội vẫn sống sót, điều này cho thấy sức đề kháng của muỗi đang ngày càng mạnh hơn.
Đặc biệt trong đó có 01 thể đột biến mới có tên L982W được tìm thấy ở hơn 78% số muỗi tại Việt Nam và Campuchia. Nguy hiểm hơn, nghiên cứu tại một khu vực thuộc Campuchia cho thấy có khoảng 90% muỗi mang ít nhất một trong hai cặp đột biến được liệt vào nhóm cực kỳ đáng lo ngại.
Chủng muỗi vằn Aedes aegypti từ lâu đã được xem là nguồn cơn "ác mộng" của nhân loại trên khắp thế giới, chủ yếu bởi số lượng vi khuẩn khổng lồ chúng có thể truyền sang cho con người, gây ra những bệnh khủng khiếp như sốt vàng da, sốt xuất huyết, Zika và chikungunya.
Những dấu hiệu sốt xuất huyết cần nhập viện ngay
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, TS Lê Trung Kiên, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm – Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết: "Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng.
Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Cần hát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh".
Ở giai đoạn sốt
- Sốt cao đột ngột, liên tục.
- Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
- Da xung huyết.
- Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
- Nghiệm pháp dây thắt dương tính.
- Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh
Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, Có thể có các biểu hiện sau:
- Đau bụng nhiều: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan.
- Vật vã, lừ đừ, li bì.
- Gan to > 2cm dưới bờ sườn, có thể đau.
- Nôn ói.
Xuất huyết:
+ Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím.
+ Xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.
+ Xuất huyết nặng: chảy máu mũi nặng (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận).
Phòng ngừa sốt xuất huyết
Các chuyên gia khuyến cáo, muốn phòng ngừa sốt xuất huyết, cách tốt nhất là chúng ta không nên để cho muỗi đốt, bằng các biện pháp:Mặc quần áo dài tay; Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; Dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi...Bình xịt côn trùng trong nhà, hương muỗi hoặc kem xua muỗi có thể làm giảm hoạt động chích đốt của muỗi; Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi...
Với đối tượng trẻ em, để phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, cha mẹ nên thường xuyên nhắc nhở cũng như quan sát các bé. Không cho trẻ chơi ở những nơi ẩm thấp, và những nơi tối, cây cối rậm rạp. Ngoài ra, phải chú ý tới việc mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay cho trẻ để phòng bệnh.
Thảo Ly