Được biết, con người hoàn toàn có thể bị nhiễm bệnh một cách chủ quan qua con đường tiếp xúc từ các vết thương trên da, hít phải bào tử vi khuẩn bệnh trong không khí, tiêu thụ những thịt động vật có chứa mầm bệnh… Tùy theo môi trường truyền bệnh than vào cơ thể con người sẽ có những triệu chứng và mức độ nặng, nhẹ của bệnh sẽ khác nhau. Bệnh than có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người nhưng tỷ lệ này rất hiếm.
Theo Nhân dân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên vừa ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than gây bệnh trên người tại huyện Tủa Chùa.
Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Đàm Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, cho biết, đến thời điểm này, cơ quan chuyên môn ghi nhận 13 người mắc bệnh than tại 3 ổ dịch bệnh thuộc địa bàn 2 xã, gồm: Mường Báng và Xá Nhè huyện Tủa Chùa.
Ổ dịch thứ nhất được phát hiện ngày 19/5, tại thôn Pàng Dề A, xã Xá Nhè, khi ông G.A.S. đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa với biểu hiện sưng đau, nổi mụn nước ở ngón 5 bàn tay phải; mụn nước sau đó vỡ tạo thành vết loét màu đen, phù nề.
Tiếp đó, ngày 27/5, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa đã tiếp nhận, điều trị bệnh than cho một bệnh nhân là Q.V.L. (ở thôn Phiêng Quảng, xã Xá Nhè). Ông L. cũng có biểu hiện bệnh là mụn nước tại mu bàn tay phải vỡ tạo thành vết loét màu đen.
Ổ dịch thứ 3 được ghi nhận ngày 25/5 với một người mắc bệnh là ông M.A.T. (ở bản Háng Trở 1, xã Mường Báng); ông T. có mụn nước mọc ở mặt ngoài cẳng tay trái.
Ngay khi tiếp nhận, điều trị cho 3 bệnh nhân, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo y tế cơ sở điều tra nguyên nhân gây bệnh. Qua điều tra ban đầu thấy rằng, cả 3 bệnh nhân đều tham gia mổ, chế biến, ăn thịt trâu, bò chết không rõ nguyên nhân.
Đến thời điểm này, cơ quan y tế ghi nhận tại 3 ổ dịch trên đã có 13 người mắc bệnh; 132 người tiếp xúc gần các trường hợp mắc bệnh và có tham gia chế biến, ăn thịt trâu, bò cùng các bệnh nhân.
Ngay khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tại 3 ổ dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa, chính quyền địa phương tổ chức phun khử trùng bằng Cloramin B tại khu vực chuồng trại chăn nuôi, nơi giết mổ và các hộ gia đình chung quanh các ổ dịch.
Theo Sức khỏe và đời sống, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên cho biết, có 3 thể bệnh than tương ứng với 3 con đường lây nhiễm chính
Bệnh than nhiễm qua vết thương hở trên da là thể bệnh phổ biến nhất (chiếm 94-95%), và cũng ít nguy hiểm. Khi chúng ta tiếp xúc với động vật bị bệnh và các chất thải của chúng, hoặc trực tiếp làm thịt những động vật bị chết do bệnh than thì bào tử vi khuẩn than có thể thâm nhập vào cơ thể người thông qua những vết xước hoặc các vết thương hở trên da.
Bệnh than nhiễm qua đường tiêu hóa: Có khoảng 0,5-0,7% bệnh nhân mắc bệnh than gặp phải thể bệnh này. Nếu bạn ăn thịt sống hoặc chưa chín kỹ từ những gia súc mắc bệnh than thì nguy cơ lây nhiễm bệnh than qua đường tiêu hóa là rất cao.
Bệnh than nhiễm qua đường hô hấp: Đây chính là thể bệnh hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên đến 90% nếu không được điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng tránh bệnh than, ngành y tế khuyến cáo người dân không tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh. Khi gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy và chôn xa nơi ở theo hướng dẫn của ngành thú y. Những người thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi hoặc xác súc vật bị ốm chết không rõ nguyên nhân nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay; tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc.
Sau khi tiếp xúc với vật nuôi phải rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra bằng xà phòng dưới vòi nước. Những nơi có ổ bệnh xảy ra, cần triển khai phun hóa chất xử lý môi trường, xử lý chất thải của gia súc và chất thải người bệnh theo đúng hướng dẫn của ngành thú y và y tế. Đặc biệt, khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, phải kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chăm sóc và điều trị.
Trước đây, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng; Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết: "Bệnh than tuy hiếm gặp nhưng thường xảy ra đối với những người có liên quan đến công việc chăn nuôi và giết mổ thịt động vật, nhân viên thú y, công nhân chế biến da, lông thú…
Bệnh than lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc với xác động vật chết do mắc bệnh than. Con người mắc bệnh hoàn toàn chủ quan do việc hít phải bào tử vi khuẩn than, ăn thịt động vật bị nhiễm khuẩn than dẫn đến mắc bệnh.
Trực khuẩn tạo bào tử và bào tử Bacillus anthracis tồn tại rất bền vững bất chấp môi trường khắc nghiệt bên ngoài. Các cơ quan y tế đã làm xét nghiệm để thấy trực khuẩn than, bào tử than có thể tồn tại và sống sót trong đất nhiều năm".
Bảo An (T/h)