Cần tìm hiểu kỹ thông tin
Báo Đại đoàn kết đưa tin, ngày 6/6, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã ký ban hành văn bản số 906 gửi Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố về việc tuyên truyền việc tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ”.
Theo đó, thời gian qua, Tổng cục Du lịch nhận được nhiều đơn, thư của công dân liên quan đến việc mua dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ”, nội dung phản ánh, ngoài việc người mua (chủ sở hữu tuần nghỉ) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung cấp kỳ nghỉ khoản tiền theo giá trị hợp đồng, còn phải thanh toán các khoản phí thường niên hay phí duy trì cho từng năm được điều chỉnh tăng giảm bất thường gây thiệt hại cho các chủ sở hữu; gây nhầm lẫn cho người mua thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác về sản phẩm, dịch vụ và một số nội dung khác.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân, Tổng cục Du lịch đề nghị sở quản lý du lịch các địa phương tuyên truyền tới người dân nâng cao nhận thức về mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” theo nội dung khuyến cáo của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương).
Cụ thể, trước khi mua cần tìm hiểu rõ bản chất, lợi ích của sản phẩm, dịch vụ và các rủi ro tiềm ẩn
Trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu, chào bán “sở hữu kỳ nghỉ”, người dân cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ sẽ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm.
Trước khi quyết định giao kết hợp đồng, người dân cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, đặc biệt ở những vấn đề như: Nhu cầu của bản thân, gia đình trong một thời gian dài.
So sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng.
Ngoài ra, cần xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ đều là hợp đồng dài hạn, bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu người mua sẽ phải đóng thêm nhiều khoản phí phát sinh như phí duy trì, phí thường niên, phí quản lý, phí vận hành,... Các khoản chi phí này có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ.
Người mua cũng cần tìm hiểu về các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng, ví dụ như: thời điểm bắt đầu được nghỉ dưỡng, có được chuyển nhượng cho người khác không, nếu có thì sau khi ký hợp đồng hay sử dụng dịch vụ bao nhiêu lâu, có đi kèm điều kiện gì không?
Đặc biệt khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung.
Tổng cục Du lịch cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch, đơn vị khác có cung cấp dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác; thiết lập hợp đồng mua bán kỳ nghỉ phải rõ ràng, không có các điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng như hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua... Đồng thời yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các đơn vị có cung cấp dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ”.
Dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” bị biến tướng ở Việt Nam
Theo báo Công an nhân dân, mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” (timeshare) là một hoạt động chia sẻ thời gian nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng trong một khung phận địa lý nhất định. Nói cách khác, timeshare là việc mua quyền sở hữu một bất động sản trong một thời gian nhất định và trong một khoảng địa lý được lựa chọn.
Đây là mô hình xuất hiện từ rất lâu trên thế giới, một ngành được coi là “hái ra tiền”. Tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam, mô hình này đã bị biến tướng, khiến người tiêu dùng không còn quá mặn mà, dần mất “thiện cảm”.
Anh Lê Văn T. (Hoàng Mai, Hà Nội) mua gói nghỉ dưỡng hạng Bạc, trị giá hơn 70 triệu đồng (thời hạn 20 năm), để gia đình có suất nghỉ dưỡng 8 ngày 7 đêm mỗi năm vào tháng 10 và 11 (mùa thấp điểm) ở Cocobay Đà Nẵng. Nếu không sử dụng hết gói, có thể nhượng lại cho người khác.
Thế nhưng, khi sử dụng anh T. mới nhận ra, gói nghỉ dưỡng này có chi phí phát sinh đi kèm quá cao, riêng phí duy trì thường niên là 5 triệu đồng, dịch vụ thì nghèo nàn, chứ không như những gì phía công ty quảng cáo.
“Tôi cảm thấy thất vọng và không muốn sử dụng dịch vụ nữa nên đã bán lại gói ưu đãi nhưng vì giá không cạnh tranh nên không ai mua. Như vậy gói dịch vụ mà tôi mua gần như bị bỏ phí”, anh T. cho biết thêm.
Vân Anh(T/h)