Cụ thể, một bác sĩ đã chia sẻ lên mạng xã hội hình ảnh trường hợp một cháu bé ở Phú Yên mắc căn bệnh rối loạn Tic.
Đoạn clip cho thấy cậu bé liên tục có các biểu hiện không bình thường, chân tay có những hành động không tự chủ, co giật mạnh toàn thân. Thậm chí tự lấy tay đập vào người.
Bé trai liên tục khua tay xung quanh và tỏ ra khó chịu. Theo bác sĩ, bé rất suy kiệt và mệt mỏi.
Theo chia sẻ của bác sĩ, căn bệnh này xuất hiện ngày càng nhiều và đây là một trường hợp rất nặng khi trẻ liên tục có các biểu hiện không tự chủ được hành động.
Sau khi đoạn clip được đăng tải rất nhiều người để lại bình luận thương cảm cho tình trạng sức khỏe hiện tại của cậu bé.
Rối loạn Tic (Tic Disoder) là cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được.
Dựa theo biểu hiện của bệnh cũng như tính phức tạp của tình trạng bệnh mà người ta chia hội chứng tic thành hai loại:
Hội chứng tic đơn giản: Chỉ biểu hiện một số hành vi đơn giản ở một số loại cơ bắp cụ thể như: Nháy mắt, lắc đầu hay tặc lưỡi. Tic âm thanh đơn giản ở dạng các âm thanh như ho, khịt mũi…
Hội chứng tic phức tạp: Thường biểu hiện những hành vi mất kiểm soát trong hành động. Cụ thể có các hành động như nhảy nhót, vỗ ngực, cắn…Ngoài ra, một dạng của hội chứng ở dạng phức tạp thường xuyên nhận thấy đó chính là tạo ra các âm thanh lạ, tục tĩu.
Nguyên nhân của hội chứng tic có thể xuất phát từ nguyên nhân di truyền. Tính di truyền này có thể biểu hiện trực tiếp từ gen di truyền của bố hoặc mẹ. Ngoài ra, hội chứng tic có thể xảy ra theo cơ chế di truyền chéo. Bên cạnh nguyên nhân do di truyền một số tác nhân bên ngoài cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng. Chấn thương ở vùng đầu hay sử dụng các chất kích thích nguy hiểm cho hệ thần kinh cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh. Ngoài ra trẻ em mắc rối loạn Tic thường do cha mẹ quá bận bịu, giao con cho ông bà giữ hoặc cho con xem tivi, internet, chơi game, chơi ipad... quá nhiều.
Hiện nay, với những trẻ mắc Tic khi được khuyên từ bỏ chơi game, xem tivi, bệnh sẽ được cải thiện khá tốt.
Bên cạnh đó, trẻ bệnh nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc bổ và liệu pháp tâm lý. Còn với trẻ bị nặng phải dùng thuốc đặc trị nên cha mẹ cần phải kiên trì phối hợp với bác sĩ trong điều trị.
Theo chuyên gia y tế, hội chứng này thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Có khoảng 20% trẻ ở độ tuổi đi học mắc phải rối loạn này; thường trầm trọng khi trẻ ở độ tuổi 11-12, sau đó giảm dần khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì.
Đối với một số trẻ, rối loạn này sẽ biến mất hoàn toàn sau khi lớn, nhưng cũng có trẻ đối mặt với nó đến khi trưởng thành.
Khi có những dấu hiệu này, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị, nhằm phòng ngừa biến chứng về thần kinh.
Thùy Dung(t/h)