+Aa-
    Zalo

    Căng thẳng Nga - Ukraine ngày 12/1: Kiev nhận tin không vui về viện trợ quân sự từ Mỹ

    (ĐS&PL) - Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby thừa nhận viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine đã tạm ngừng lại.

    RT đưa tin ngày 11/1, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã tạm ngừng lại. Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh xảy ra tranh luận tại Quốc hội Mỹ về tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

    “Chúng tôi đã công bố gói viện trợ cuối cùng mà chúng tôi có kinh phí để hỗ trợ. Đó là lý do vì sao việc Quốc hội thực hiện đề xuất bổ sung an ninh quốc gia rất quan trọng”, ông Kirby nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo.

    Được biết, gói viện trợ cuối cùng trị giá 250 triệu USD được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt vào cuối tháng 12/2023, thông qua quyền rút vốn của tổng thống, cho phép chuyển giao vũ khí khẩn cấp cho các đồng minh mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.

    Tổng thống Biden đã hối thúc Quốc hội bỏ phiếu thông qua đề xuất ngân sách bổ sung trị giá hơn 100 tỷ USD, trong đó hơn 60 tỷ USD dự kiến dành cho Ukraine. Đảng Cộng hòa phản đối đề xuất này, yêu cầu Nhà Trắng và các đảng viên đảng Dân chủ trong Quốc hội đồng ý với kế hoạch thắt chặt an ninh tại biên giới với Mexico.

    cang thang nga ukraine ngay 121 kiev nhan tin khong vui ve vien tro quan su tu my
    Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby. Ảnh: Getty

    Giám đốc ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young từng chia sẻ, cơ quan rút vốn “sẽ không chuyển các lô trang thiết bị lớn đến Ukraine”, đồng thời mô tả tình hình là “khốc liệt”.

    Hồi đầu tháng 1/2024, Thiếu tướng Patrick Ryder - người phát ngôn Lầu Năm Góc cảnh báo, quân đội đang hết các lựa chọn để “bổ sung kho dự trữ’.

    Trong khi ông Biden công khai cam kết ủng hộ Kiev “miễn là điều đó cần thiết”, một số đảng viên đảng Cộng hòa và giới truyền thông đã đặt ra câu hỏi về chiến lược hiện tại của Washington, bởi cuộc phản công của Ukraine đã thất bại. Năm 2023, Tướng Valery Zaluzhny của Ukraine thừa nhận rằng cuộc xung đột đang rơi vào thế “bế tắc”.

    Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cũng ngày càng thừa nhận rằng, việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine đã bị trì hoãn do các vấn đề về sản xuất và hậu cần.

    “Thật không may, những người bạn của chúng tôi tốn quá nhiều thời gian để cân nhắc về cách thức và thời điểm tăng cường sản xuất vũ khí, đạn dược”, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho hay trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

    Trong diễn biến liên quan, RT đưa tin các quan chức Hungary đã nêu các điều kiện để bỏ quyền phủ quyết đối với gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (tương đương khoảng 54,6 tỷ USD) của EU dành cho Ukraine, trong đó có điều kiện khoản tiền này được xem xét lại hàng năm trong lộ trình phân bổ 4 năm.

    Theo thông tin trên Politico hôm 9/1, Budapest đã nêu đề xuất của mình trong cuộc họp của 27 chuyên gia về ngân sách của EU diễn ra vào 5/1, thể hiện rằng Thủ tướng Hungary Viktor Orban có thể cho phép tiếp tục thực hiện chương trình viện trợ.

    Dẫn lời 3 nhà ngoại giao EU giấu tên, Politico cho hay đề xuất nói trên sẽ cung cấp cho Ukraine khoản tài trợ và cho vay trị giá 12,5 tỷ euro/năm trong khoảng thời gian 4 năm, với sự đồng thuận của Hội đồng châu Âu.

    Việc yêu cầu biểu quyết hàng năm để thông qua viện trợ của EU cho Ukraine sẽ cho phép Thủ tướng Orban ngăn cản nguồn tài trợ hoặc buộc EU phải đưa ra những nhượng bộ nhất định, theo nhận định trên RT.

    Một số nhà ngoại giao của EU chia sẻ với Politico rằng, chia nhỏ viện trợ thành các khoản phân bổ cần được bỏ phiếu thông qua hàng năm như vậy không đem đến cho Ukraine khả năng dự đoán tài chính mà Kiev cần.

    Thủ tướng Orban - người kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine thông qua đàm phán thay vì kéo dài xung đột - đã chặn gói viện trợ cho Kiev tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 12/2023 của Hội đồng châu Âu ở Brussels (Bỉ).

    Thủ tướng Hungary đồng thời cảnh báo Budapest có thể ngăn cản việc Ukraine gia nhập EU, bất chấp việc ông đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng châu Âu hồi tháng 12/2023 để thông qua việc mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Kiev.

    XEM THÊM: Súng phun lửa hạng nặng của Nga khai hỏa, càn quét mục tiêu ở Ukraine

    Các nhà lãnh đạo EU đang gây áp lực buộc ông Orban phải thay đổi quyết định trước cuộc họp ngày 1/2 của khối này. Được biết, Thủ tướng Orban có thể có nhiều ảnh hưởng hơn nữa đối với EU nếu Hungary tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu, khi ông Charles Michel từ chức vào cuối năm 2024.

    Kịch bản như vậy được cho là có thể xảy ra nếu các nhà lãnh đạo EU không nhanh chóng tìm và phê duyệt người thay thế ông Michel, tạo cơ hội để Thủ tướng Orban đảm nhận vị trí đứng đầu Hội đồng châu Âu từ tháng 7-12/2024.

    Đinh Kim (Theo RT)

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cang-thang-nga-ukraine-ngay-12-1-kiev-nhan-tin-khong-vui-ve-vien-tro-quan-su-tu-my-a606973.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan