Theo thông tin trên RT hôm 10/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, "cuộc họp bí mật" được cho là nhằm mục đích thảo luận về kế hoạch hòa bình của Ukraine tại Saudi Arabia hồi tháng trước chỉ là một nỗ lực của Kiev và phương Tây để duy trì sự chú ý tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong bối cảnh sự mệt mỏi ngày càng gia tăng.
Đồng thời, bà Zakharova cho rằng những cuộc họp như vậy là vô nghĩa do không có sự tham dự của Nga. Theo bà, việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình mà không có Nga, đồng thời dựa trên các điều kiện mà Moscow sẽ không bao giờ chấp nhận chỉ làm suy giảm khả năng đạt được hòa bình thực sự.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đây đã xuất hiện trong nhiều cuộc họp lớn của phương Tây, bao gồm cả các cuộc họp không liên quan đến chính trị.
Bình luận nói trên được đưa ra sau khi Bloomberg ngày 9/1 đưa tin về "cuộc họp bí mật" diễn ra vào giữa tháng 12/2023 ở Riyadh, giữa các đại diện từ Ukraine, các nước thuộc G7 và một số quốc gia khác nhằm cố gắng thông qua các điều khoản của Kiev trong các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow.
Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, cuộc họp không "đạt được tiến triển đáng kể", trong khi một số quốc gia từng tham gia các cuộc họp tương tự trước đây không tham dự, điển hình như Trung Quốc, Brazil và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đề cập đến "cuộc họp bí mật" nói trên trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 12/2023. "Chúng tôi có biết về cuộc họp đó. Các đồng minh và cộng sự thân cận của chúng tôi tham dự cuộc họp nhưng không cam kết sẽ giữ bí mật về vấn đề liên quan đến Nga với chúng tôi", Sputnik dẫn lời ông Lavrov.
Cũng theo thông tin từ Ngoại trưởng Lavrov, một cuộc họp khác dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 1/2024, cùng một "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" được lên kế hoạch vào tháng 2/2024, tại đó "công thức hòa bình" của Tổng thống Zelensky sẽ được thông qua.
Được công bố lần đầu tiên vào tháng 11/2022, sáng kiến hòa bình 10 điểm của Tổng thống Zelensky nhằm chấm dứt xung đột bao gồm một số đề xuất như khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine trước năm 2014 (trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea), đề nghị Nga bồi thường chiến tranh... Các đề xuất khác liên quan đến lĩnh vực ít gây tranh cãi hơn như an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu.
XEM THÊM: Nga ước tính thiệt hại quân sự của Ukraine trong năm 2023
Tuy nhiên, Moscow coi đề xuất của Ukraine là "không thực tế", đồng thời tin rằng ít nhất Mỹ và các đồng minh chỉ muốn các quốc gia ở Nam bán cầu ủng hộ những phần trung lập của đề xuất. Theo bà Zakharova, Ukraine sau đó có thể tuyên bố nhận được "sự ủng hộ toàn cầu ngày càng tăng" đối với phần cốt lõi trong đề xuất của mình.
Bà Zakharova bày tỏ sự hoài nghi liệu cách tiếp cận của Kiev có mang lại kết quả hay không. "Không có kế hoạch mạo hiểm nào, dù được tài trợ nhiều hay dài hạn, sẽ có thể thu hút được sự chú ý của thế giới ở mức độ mà phương Tây yêu cầu đối với Ukraine", bà chia sẻ với Sputnik.
Đinh Kim(Theo RT, Sputnik)