Cùng với việc phong toả các cơ quan ngoại giao của Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ còn chặn nhà riêng của đại sứ, đại biện cùng tổng lãnh sự Hà Lan, khiến quan hệ ngoại giao giữa 2 nước ngày càng leo thang.
Theo tin tức trên báo VOV, ngày 11/3, các nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nhà chức trách nước này đã phong tỏa Đại sứ quán Hà Lan và Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại Thổ Nhĩ Kỳ, động thái được cho là “vì lý do an ninh”.
Báo Vnexpress cho biết, những động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thể hiện phản ứng khi Hà Lan ngăn không cho máy bay chở Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến Rotterdam. Ông Mevlut Cavusoglu hôm 10/3 bay đến thành phố này để dự cuộc mít tinh ủng hộ kế hoạch gia tăng quyền hạn của Tổng thống Tayyip Erdogan. Ankara tháng sau sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp.
Hà Lan đang trong chiến dịch tranh cử căng thẳng, khi vấn đề nhập cư trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng. Do đó Amsterdam lo ngại việc Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến có thể gây xáo trộn.
Ông Cavusoglu hôm qua cho biết có thể bay đến Hà Lan bất chấp cuộc biểu tình bị huỷ bỏ, ông cũng có thể xuất hiện ở tổng lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ, như đã từng làm khi quan chức ở Hamburg, Đức, ngăn ông phát biểu trong cuộc mít tinh tuần trước.
"Nếu tôi đi thì căng thẳng sẽ gia tăng, hãy để thế. Việc làm của tôi gây thiệt hại gì đến họ? Tôi là ngoại trưởng và tôi có thể đến bất cứ đâu tôi muốn", ông Cavusoglu nói với CNN.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích Hà Lan ngăn máy bay của ông Cavusoglu, cảnh báo việc này sẽ "gây nên những vấn đề nghiêm trọng về ngoại giao, chính trị, kinh tế và các lĩnh vực khác". Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chiều qua cho biết không muốn Đại sứ Hà Lan tại nước này, người đang trên đường về nước, quay trở lại "trong một khoảng thời gian".
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ phong toả lãnh sự quán Hà Lan. Ảnh: Reuters |
Liên quan đến vấn đề này, báo Dân trí thông tin thêm, tại Hàn Lan, giới chức nước này đã bắt giữ Bộ trưởng các vấn đề gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betül Sayan Kaya nhằm ngăn nữ quan chức này tổ chức một cuộc vận động ủng hộ Tổng thống Erdogan tại Rotterdam. Truyền thông Hà Lan cho biết, bà Kaya bị bắt giữ sau khi di chuyển từ Đức tới Rotterdam của Hà Lan bằng xe hơi. Nguồn tin nói rằng, bà Kaya có thể bị buộc dẫn giải về Đức.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia châu Âu đã xấu đi kể từ cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các chính phủ châu Âu, trong đó có Đức, vì các vụ bắt giữ và sa thải nhiều quan chức được tin là có liên quan tới âm mưu đảo chính. Ước tính, gần 100.000 công chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sa thải vì cuộc đảo chính.
Nhiều quốc gia châu Âu đã bày tỏ sự bất bình đối với cách thức đối phó của Tổng thống Erdogan trong cuộc đảo chính.
(tổng hợp)