+Aa-
    Zalo

    Cẩn trọng khi thương lái Trung Quốc thu mua những thứ "lạ đời"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Việc thương lái Trung Quốc tha hồ giở trò mua bán các con, vật lạ để lừa đảo là thực trạng khiến dư luận vô cùng bức xúc.

    (ĐSPL) - Việc  thương lái Trung Quốc tha hồ giở trò mua bán các con, vật lạ để lừa đảo, thậm chí ẩn chứa mưu đồ phá hoại an ninh kinh tế của nước ta trong nhiều năm qua là thực trạng khiến dư luận vô cùng bức xúc.

    Có một điều khó hiểu, trong nhiều vụ việc cơ quan chức năng biết được hành động thu mua của thương lái Trung Quốc là hành vi phá hoại, tuy nhiên chưa có một thương lái nào bị bắt và bị xử lý theo luật pháp của Việt Nam.

    Bàn về việc này, nhiều chuyên gia cho rằng, luật của chúng ta có quy định cấm nhưng cơ quan thực thi pháp luật hoạt động chưa hiệu quả, nên dẫn đến thương lái Trung Quốc ngày một lộng hành.

    Thương lái Trung Quốc liên tiếp thu mua các con, vật lạ
    Thương lái Trung Quốc liên tiếp thu mua các con, vật lạ.

    Tại sao thương lái Trung Quốc vô tư lộng hành?

    Đến tận bây giờ nhiều người dân Việt Nam sẽ không quên được bài học về ốc bươu vàng khi chúng ta nhập khẩu loại động vật thân mềm này vào nước ta từ Trung Quốc với hy vọng đây sẽ là một giống vật nuôi có thể giúp người dân nhanh chóng nâng cao hiệu quả kinh tế thu lợi lớn. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, con vật này đã trở thành kẻ thù số một của nghề nông Việt Nam.

    Những tưởng sau những cú lừa trên cơ quan chức năng sẽ tỉnh táo hơn và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động mua bán có tính chất phá hoại từ phía thương nhân Trung Quốc, nhưng những vụ việc mua bán mang tính chất phá hoại như mua sừng, móng của trâu bò (để phá hoại sức kéo), mua rễ cây chè cổ thụ ở Hà Giang (mục đích người dân chặt phá loại chè tuyết hàng trăm năm tuổi, một đặc sản của vùng đất này), rồi chưa kể những vụ việc như mua lá điều khô hay mua đỉa…

    Thông tin chúng tôi thu thập được, thời điểm sau Tết Giáp Ngọ 2014, tại Hà Giang thương nhân Trung Quốc ồ ạt mua mầm cây thảo quả với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Mức giá trên đã khiến người dân nơi đây đổ xô đi thu hoạch để bán.

    Được biết, thảo quả là cây thân thảo sống lâu năm, mọc thành bụi. Vì vậy, nếu khai thác mầm thảo quả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sinh trưởng và phát triển của cây, làm suy giảm khả năng đẻ nhánh, dẫn tới cây thảo quả sẽ tàn lụi và bị chết.

    Việc thu hái mầm còn làm mất phần thân ra hoa, tạo quả dẫn đến cây không có khả năng cho quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Cũng với thủ đoạn trên, tại địa bàn các tỉnh phía Nam thương lái Trung Quốc đi lùng sục, đặt hàng mua lá khoai lang khi bà con nông dân vừa mới bước vào vụ trồng.

    Thương lái Trung Quốc sẵn sàng mua 10.000 đồng/kg và theo bà con nông dân nếu khoai lang vừa mới trồng mà thu gom lá non dẫn tới khoai sẽ không cho củ. Nhiều người cho rằng, hành vi trên của thương lái Trung Quốc mục đích là phá hoại vụ mùa khoai lang.

    Đánh giá về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc thương lái Trung Quốc mua lá khoai lang, mầm thảo quả trong thời gian qua là hoạt động phá hoại nền kinh tế chứ không phải hành động thương mại thuần tuý. Bởi về nguyên tắc, hành động thương mại tức là sự mua bán hai bên cùng có lợi.

    Để xảy ra tình trạng trên ở nhiều địa phương và tồn tại trong thời gian dài một phần vì người dân hám lợi, thấy mua với giá cao ồ ạt đi trồng, thu mua, mong có thu nhập trước mắt. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là do chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm.

    Pháp luật cần xử nghiêm và mạnh tay

    Trao đổi với phóng viên, TS. Lê Đăng Doanh cho biết: “Có thể nói trong những năm gần đây, người Trung Quốc sang nước ta mua khá nhiều mặt hàng mang tính chất phá hoại là chính. Cho đến thời điểm này các mặt hàng mà người Trung Quốc thu mua về mặt ý nghĩa kinh tế thì chưa chứng minh được lợi ích ở chỗ nào, họ mua những sản phẩm với giá cao đó để làm gì. Như mua rễ cây thảo quả, không có rễ cây làm sao sống được. Thu mua móng trâu bò khiến trâu bò mất sức cày kéo, mà sức kéo đối với người nông dân thì rất quan trọng, hay thu mua lá khoai lang, lá cây điều, tất cả những hoạt động thu mua đó chủ yếu nhằm mục đích phá hoại kinh tế.

    Những hành động này cần phải giám sát và cần phải trừng trị nghiêm khắc. Không thể để những hoạt động mua bán bất hợp pháp đó diễn ra dưới bất cứ hình thức nào gây ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và đất nước. Cần phải giám sát chặt chẽ việc người Trung Quốc vào lãnh thổ nước ta đi theo hình thức nào, có giấy phép, có phải thương nhân hay không, có quyền được thực hiện các giao dịch mua bán trực tiếp với người dân hay không và thông qua hình thức hợp đồng như thế nào?

    Có một điều mà chúng ta cũng cần phải xem xét một cách nghiêm túc vì sao thương lái Trung Quốc lại chọn Việt Nam mà không phải các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan? Phải chăng luật Thương mại của ta quá lỏng? Tôi cho rằng luật pháp của ta khá chặt chẽ, nhưng tại sao lại để xảy ra tình trạng người Trung Quốc nhũng nhiễu tại thị trường Việt Nam? Theo tôi, để xảy ra tình trạng đó có ba vấn đề: Thứ nhất các cơ quan Trung ương chưa đề ra các biện pháp kiểm soát. Thứ hai, cơ quan địa phương thiếu cảnh giác. Và thứ ba, người dân ít được tuyên truyền cũng như cảnh báo nên hám lợi, cả tin, tự mình làm hại mình”.

    Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, tuyệt đối không để người Trung Quốc sang mua những sản phẩm hàng hóa của ta một cách tùy tiện  như vậy, đã đến lúc chúng ta phải áp dụng những biện pháp mạnh và cụ thể. “Tôi cũng đã đề nghị phải có những thông  báo tổng kết chi tiết hàng năm về những hoạt động bất thường của thương lái Trung Quốc và cần phải quy trách nhiệm cho cá nhân để xảy ra các hoạt động đó trên địa bàn” – TS. Doanh nói.

    Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Để xử lý được những người Trung Quốc sang nước ta thu mua những sản phẩm nhằm mục đích phá hoại, các cơ quan chức năng cần phải xác minh và giám sát chặt chẽ nếu thấy họ có vi phạm pháp luật cần phải xử nghiêm và mạnh tay. Cũng phải thừa nhận, ở nhiều nơi người dân nhận thức vấn đề còn chưa thấu đáo, nhiều người hám lợi, cộng với việc chính quyền địa phương còn thiếu sâu sát và lỏng lẻo nên để người Trung Quốc “lộng hành” như vậy”.

    Ông Hồ Trọng Ngũ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội nhận đinh: “Rất khó khẳng định các nước láng giềng có tình trạng người Trung Quốc tiến hành các hoạt động thu mua giá cao các mặt hàng như ở nước ta hay không. Cách đấu tranh về vấn đề người Trung Quốc sang “lũng loạn” ở mỗi nước khác nhau và hiệu quả cũng khác nhau. Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề này nhưng quả thực hoạt động đấu tranh của ta từ trước đến nay  kém hiệu quả”.                                     

    Thương lái Trung Quốc chỉ lộng hành được ở Việt Nam!?

    Theo quan sát và nghiên cứu của TS. Trương Duy Hòa, TS. Nguyễn Thành Văn, TS. Nguyễn Hồng Quang (viện Nghiên cứu Đông Nam Á, viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), việc Trung Quốc thu mua ồ ạt nông sản giá cao với mục đích không rõ ràng không hề có ở các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan.

    Mới đây, bộ Công Thương đã liên hệ với các sở Công Thương và các Sở chức năng tại các địa phương, chi cục Quản lý thị trường trao đổi trực tiếp với nông dân các vùng miền. Theo đó, yêu cầu việc mua đi bán lại với các thương lái phải có địa chỉ rõ ràng, có hợp đồng mua bán khi diễn ra việc mua nông sản, nhiều trường hợp khi được yêu cầu có đủ các điều kiện này, đã "lặn mất tăm".

    Trinh Phúc – Thiên Vũ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-trong-khi-thuong-lai-trung-quoc-thu-mua-nhung-thu-la-doi-a26364.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.