Trong những ngày tết, nhiều hộ dân tổ chức bày biện lễ vật cúng bái để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ những người đã khuất. Nhưng điều đáng lo ngại là nhiều hộ đốt rất nhiều vàng mã, không đảm bảo an toàn phòng cháy.
Thờ cúng tổ tiên vốn là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt từ xa xưa đến nay. Cùng với đó là việc thắp hương, đốt vàng mã, nhất là vào các ngày rằm, mùng một, đặc biệt tăng cao vào các dịp Tết. Điều quan trọng là phòng ngừa hỏa hoạn đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân để tránh những hiểm họa gây nguy hại đến tài sản và tính mạng con người.
Những hiểm họa từ việc thắp hương, đốt vàng mã
Đơn cử, việc đốt vàng mã một cách thiếu ý thức, đã từng gây ra hàng loạt các vụ hỏa hoạn những năm qua. Điển hình như vụ cháy nhà ở ngõ 25 phố Tống Duy Tân vào năm 2013; cháy nhà ở dốc Thọ Lão (phường Đồng Nhân) vào năm 2015; cháy xe máy trên phố Minh Khai (Hà Nội) vào đầu năm 2016.
Xa hơn, một vụ hỏa hoạn được kết luận do đốt vàng mã vào năm 2013 đã thiêu rụi tám căn nhà và sáu xe máy tại TP. Hồ Chí Minh; hay vụ cháy xe bồn và cây xăng vào tháng 8/2016 tại Quảng Ninh…
Dù xảy ra đã gần một năm, song chủ ngôi nhà 4 tầng nằm trong ngõ 242 đường Bạch Đằng (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ cháy xuất phát từ việc hóa vàng mã trên tầng thượng của gia đình. Ngọn lửa nhỏ đã bắt vào vật dễ cháy trong nhà, bốc lên thành đám cháy lớn. Mặc dù được khống chế sau đó và không gây thiệt hại về người, nhưng vụ hỏa hoạn đã kịp thiêu rụi một số tài sản.
Người dân nên cẩn thận khi đốt vãng mã dịp lễ Tết |
Theo thống kê của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán 2017, việc thắp hương, đốt vàng mã là nguyên nhân xếp thứ 3 gây cháy, với 8 vụ.
Đến hẹn lại lên, càng gần Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, việc đốt vàng mã càng gia tăng. Đơn cử như, ngày mùng 1 tháng Chạp âm lịch (17-1) vừa qua, tại một số tuyến phố như: Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Đường, Mã Mây, Hàng Ngang… có rất nhiều người đốt vàng mã. Do nhà ở phố cổ nhỏ hẹp, nên người dân mang cả ra vỉa hè để đốt, tàn lửa bay tứ tung khi có cơn gió thổi qua. Ngoài ra, tại các đền, chùa, cứ đến dịp lễ, Tết lại bị "quá tải" về việc đốt vàng mã, thắp hương, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao.
Biện pháp đảm bảo an toàn cháy nổ dịp Tết
Để đảm bảo cho người dân vui chơi an toàn, vui vẻ, không để xảy ra cháy, nổ trong dịp Tết Nguyên đán 2019, thì công tác phòng cháy với mỗi người dân cần được chú trọng, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nếu phòng ngừa tốt, phát hiện, chữa cháy ngay từ ban đầu chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại nếu có cháy xảy ra.
Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, trong thời điểm này, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố liên tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy tại những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy cao như: chợ, khu dân cư, đình, chùa…
Đồng thời, bản thân người dân cũng cần tự nâng cao ý thức hơn nữa trong việc thắp hương, đốt vàng mã để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy xảy ra. Riêng với loại hình chung cư, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội khuyến cáo, các cư dân không được chủ quan, cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tuân thủ việc đốt vàng mã tại nơi quy định.
Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần thắp hương cách xa trần nhà và các vật dụng dễ cháy; ban thờ phải làm bằng vật liệu chống cháy và có vách ngăn cháy lan. Tại các hộ gia đình, doanh nghiệp, trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết dài ngày cần tắt hết hương, đèn khi rời khỏi nhà.
Các tiểu thương phải đến khu vực riêng dành cho việc thắp hương tại chợ. Khi đốt vàng mã, người dân không nên đốt quá nhiều; phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh và chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro để dập tắt lửa hoàn toàn…
Tại các khu vực đền, chùa cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, phát trên loa tuyên truyền cho khách đến cúng, viếng, có ý thức chấp hành về PCCC...
Huy Lê