(ĐSPL) – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, các địa phương cần thận trọng việc điều chuyển giáo viên THPT, THCS về dạy mầm non vì mỗi cấp học có những tiêu chuẩn về chuyên môn riêng.
Trong hai ngày 28-29/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2016.
Tại hội nghị, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2017, ngành giáo dục tập trung rà soát quy hoạch cơ sở giáo dục toàn hệ thống. Các địa phương đang gặp khó khăn do thay đổi về quy hoạch mạng lưới giáo dục liên quan đến di dân, biến động kinh tế xã hội nên thành phố lớn quá tải, vùng nông thôn ít học sinh, ở miền núi thì điểm trường phân tán. Vì vậy cần tính toán tập hợp các trường, điểm trường để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; ưu tiên kiên cố hóa trường học những vùng khó khăn nhất.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VOV) |
Tại bậc giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tăng cường tự chủ đại học cho các trường và giám sát chất lượng. Các địa phương cơ cấu lại hệ thống cao đẳng sư phạm gắn với một số trường đại học sư phạm lớn phục vụ công tác đào tạo lại cho giáo viên trong tỉnh.
Về công tác thi và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, theo ông Phùng Xuân Nhạ, năm 2016 được đánh giá là có cuộc thi êm ả nhưng Bộ GD-ĐT tiếp tục đổi mới theo hướng hướng tự chủ, hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã công bố dự thảo quy chế để lấy ý kiến phương án tuyển sinh năm 2017. Về cơ bản đạt, các dự thảo này đã đạt được sự đồng thuận của xã hội. Bộ GD-ĐT đang tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp từ các địa phương, các trường ĐH, CĐ, giáo viên, học sinh và người dân… Mục tiêu làm cho việc tổ chức kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ nhẹ nhàng, không tạo ra băn khoăn như những năm trước đây.
Về tình trạng thừa giáo viên cục bộ ở bậc THPT, THCS, thiếu ở bậc mầm non nên nhiều địa phương đã đưa đối tượng này về dạy mầm non. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, các địa phương cần thận trọng việc điều chuyển giáo viên bởi mỗi cấp dạy có những tiêu chuẩn về chuyên môn riêng. Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương đào tạo lại đội ngũ này để đạt chuẩn, đảm bảo công tác dạy học ở các bậc mầm non.
Về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, hiện có 28 trường ĐH ở địa phương được nâng từ Cao đẳng lên theo hướng tự chủ hóa. Tuy nhiên, nếu cứ để các trường hoạt động theo hướng can thiệp hành chính thì không hoạt động được.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng quan ngại về việc các bộ ngành có tới 135 trường ĐH và năm 2017, cần phải rà soát, sắp xếp, mạnh dạn giao quyền tự chủ, giám sát chất lượng.
Về các trường sư phạm, hướng sắp xếp sẽ là các trường cao đẳng sư phạm sẽ thành vệ tinh của những trường ĐH Sư phạm hoặc là gắn thành phân hiệu của một số trường ĐH vùng lớn.