Đó là nhận định của Tiến sĩ, Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink liên quan tới dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP đối với chính sách thuế khi xuất khẩu xi măng.
Tại buổi tọa đàm về đổi mới trong nghĩa vụ thuế khi xuất khẩu xi măng do Báo Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 3/10, Luật sư Lê Đình Vinh cho rằng, dự thảo Nghị định này là thành công bước đầu trong việc hoàn thiện khung pháp lý về thuế xuất khẩu đối với mặt hàng như măng nói riêng và các mặt hàng sản xuất từ tài nguyên, khoáng sản khác nói chung. Có được thành công này là nhờ sự lắng nghe tích cực từ phía Bộ Tài Chính và các cơ quan chức năng; cùng với đó là sự đóng góp từ phía Hiệp hội xi măng, các doanh nghiệp xi măng và Báo ĐS&PL trong suốt thời gian qua thông qua việc trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến từ nhiều bên.
“Sự phối hợp đồng bộ này đã tạo ra sự nhận thức và đồng thuận từ dư luận xã hội về việc Bộ Tài chính cần làm rõ một số quy định chưa rõ ràng; từ đó phải sửa đổi, bổ sung một số điều của luật, Nghị định. Thành công này cần được nhìn nhận, đánh giá một cách rộng rãi” – Luật sư Lê Đình Vinh khẳng định.
Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink |
Cũng theo quan điểm của Luật sư Vinh, về cơ bản, dự thảo đã giải tỏa được một số bức xúc của doanh nghiệp về vấn đề áp thuế. Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo hành lang pháp lý thông thoáng đối với ngành xi măng nói riêng và ngành chế biến nói chung, ta cần phải sửa đổi Luật thuế, Luật về Tài nguyên môi trường... cho phù hợp. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục có những trao đổi, tương tác với Bộ tài chính và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để sửa đổi Nghị định cho phù hợp hơn, hoàn thiện hơn theo các hướng sau:
Thứ nhất, nội dung diễn giải ngôn từ cần ngắn gọn hơn, dễ hiểu hơn. Chỉ nên sửa ngôn từ một lần cho gọn lại, không nên có quá nhiều văn bản sửa đổi.
Thứ hai, liên quan tới một số điểm còn “bỏ ngỏ” của dự thảo Nghị định như quy định tại điều 1, sửa đổi khoản 11 điều 3 Nghị định 100/2016/NĐ-CP, nên có dự thảo văn bản hướng dẫn để làm rõ điều này vì điều luật còn gây nhiều vướng mắc trong cách hiểu.
Giải đáp thắc mắc của một số doanh nghiệp liên quan tới quy trình, thủ tục tại cơ quan hải quan, Luật sư Vinh cho rằng, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Trong Nghị định, nếu đặt ra quy trình thì sẽ rất dài dòng, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn ngoài Nghị định này.
Thái Sơn