+Aa-
    Zalo

    Cần Thơ cấm công chức mặc quần jean, áo thun: Cái quần, cái áo không làm nên... “thầy tu”!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Quy định cấm công chức mặc quần jean áo thun gây nhiều ý kiến tranh cãi trong bối cảnh, người dân cho là họ cần sửa lại “nét mặt, nụ cười và lời ăn tiếng nói” trước.

    Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong khối Nhà nước tại TP.Cần Thơ sẽ phải “nói không” với quần jeans, áo thun. Quy định này lập tức gây nhiều ý kiến tranh cãi. Đặc biệt trong bối cảnh, người dân cần sửa lại “nét mặt, nụ cười và lời ăn tiếng nói” của cán bộ, công chức.

    Quy định vì... không phù hợp thuần phong mỹ tục

    Theo Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối Nhà nước của TP.Cần Thơ vừa được ban hành, cán bộ, công chức cả nam và nữ không mặc quần jeans, áo thun các loại tại công sở hoặc trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ. Quy định này khiến dư luận nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau.

    Độc giả Nguyễn Thị Nguyệt (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi cũng từng là công chức và giờ đã nghỉ hưu. Tôi đã chứng kiến nhiều lần "đổi mới" trang phục nơi công sở, nhưng tất cả chỉ là hình thức. Con gái tôi cũng vừa rời cơ quan Nhà nước để ra làm ngoài. Nói thật, cán bộ công chức giờ cũng có nhiều áp lực rồi, đừng gò bó họ quá vào những quy định cứng nhắc. Hãy để họ thoải mái (không tuỳ tiện và xuề xoà, cái này tự người ta nhìn nhau mà sửa mình) thì họ sẽ thoải mái với công việc họ làm.

    Quần áo đẹp, lịch sự, phù hợp thái độ, chất lượng phục vụ tốt thì còn gì bằng. Tuy nhiên từ hiện thực bất cập về chất lượng của cán bộ, công chức hiện nay, xét về phía người dân, họ vẫn ưu tiên chất lượng và thái độ hơn vẻ bên ngoài của công chức. Quần áo có chỉn chu, thay đổi mà nay vòi mai vĩnh hoặc mặt lúc nào cũng như đâm lê thì có ích gì?”.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Chánh văn phòng UBND TP.Cần Thơ Hồ Văn Gia cho biết: “Việc ai thông tin bàn luận gì thì tôi không rõ. Nhưng trong phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của tôi về vấn đề này, tôi được biết qua việc bàn luận trong tập thể tại các cuộc họp thông qua dự thảo, đóng góp ý kiến thì có 2 lý do ban hành quy định trên.

    Lý do thứ nhất, mặc quần jeans thường đi kèm áo thun, trang phục này được du nhập vào Việt Nam và có nguồn gốc xuất phát từ những người mặc nó mà ta thường gọi là "cao bồi". Và hiện nay quần jeans, áo thun được cách tân có nhiều kiểu rất phản cảm. Vì vậy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt mình.

    Thứ hai là việc ban hành quyết định nêu trên được thực hiện theo trình tự thủ tục pháp luật quy định. Đặc biệt là đã lấy ý kiến của đối tượng tác động. Đồng thời theo quy định của pháp luật, thẩm quyền quy định về vấn đề này là của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố. Do đó, sau khi lấy ý kiến đóng góp, xét thấy việc quy định nêu trên là cần thiết, phù hợp với tình hình của Cần Thơ nên đưa vào quy định”.

    Theo tìm hiểu của PV, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối Nhà nước của TP.Cần Thơ gồm 4 chương, 11 điều, quy định các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối Nhà nước của TP.Cần Thơ.

    Văn bản này có yêu cầu chung là trang phục làm việc tại công sở hoặc trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ (trường hợp không có quy định đồng phục riêng của ngành), phải đảm bảo gọn gàng, lịch sự, kín đáo, kiểu dáng - màu sắc nhã nhặn, phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù công việc. Nam cán bộ, công chức mặc áo sơ mi, quần tây (cho áo vào quần), sử dụng giày hoặc dép có quai hậu; nữ cán bộ, công chức mặc áo sơ mi, quần tây, áo dài, váy, đầm công sở...

    Ngoài quy định về trang phục, quy tắc ứng xử chỉ rõ, trong giao tiếp và ứng xử, cán bộ, công chức phải ân cần, nhã nhặn, niềm nở, biết lắng nghe ý kiến và giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các quy định liên quan đến công việc; ưu tiên giải quyết công việc với người già yếu, bệnh tật, người khuyết tật, phụ nữ mang thai; sử dụng các từ "xin chào", "xin lỗi", "cảm ơn" trong các ngữ cảnh phù hợp.

    Sửa nét mặt, thái độ làm việc quan trọng hơn

    Về quy định đang gây tranh cãi của Cần Thơ, PGS.TS Đỗ Minh Cương, giảng viên cao cấp, Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa doanh nghiệp và Lãnh đạo, trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích: “Quần bò, áo thun phù hợp các buổi dã ngoại, hoạt động ngoài trời hơn bởi tính thoải mái, năng động, không phù hợp lắm với việc tiếp dân. Cán bộ tiếp dân đòi hỏi lịch sự, nghiêm túc. Thêm nữa, hiện nay quần jeans được cách tân quá đà, nhiều loại rách te tua, vá ngang vá dọc không đảm bảo tính nghiêm túc. Vì vậy, UBND TP.Cần Thơ đưa ra quy định là điều dễ hiểu.

    Tuy nhiên, quy định trang phục như vậy mới chỉ là hình thức, quan trọng là nội tâm, “chất” cán bộ phải tương xứng. Cán bộ phải thực sự là người phục vụ nhân dân, nếu không quy định trên sẽ chỉ là hình thức”.

    “Quy định này không sai nhưng nếu áp dụng một cách cứng nhắc thì không phù hợp. Trường hợp cán bộ công chức làm ở ngành Giao thông, ngành Xây dựng phải thường xuyên ra công trường, việc mặc quần bò đảm bảo độ an toàn cho người mặc hơn. Nếu cứ theo một khuôn mẫu, quy định trên chưa hẳn đã tốt. Vì thế, theo tôi quy định trên chỉ nên áp dụng với cán bộ tiếp dân”, ông Cương nói.

    Người dân cần sự thay đổi về chất lượng phục của cán bộ, công chức. Ảnh minh họa.

    Ủng hộ quan điểm về việc quan trọng nhất là thay đổi thái độ phục vụ người dân, GS.Đặng Vũ Cảnh Khanh, Viện trưởng viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cho rằng: “Đúng là về trang phục của cán bộ công chức thì mỗi người một quan điểm. Tôi cho rằng trang phục của cán bộ, công chức chỉ đảm bảo yếu tố lịch sự là đủ. Bởi quy định như vậy đương nhiên các kiểu quần bó cách tân, phản cảm sẽ là không phù hợp. Một điểm nữa là quy định trang phục mà cứng nhắc quá có thể lại khiến người dân cảm thấy xa cách”.

    GS.Đặng Vũ Cảnh Khanh chia sẻ thêm: “Thực tế, thời gian vừa qua có nhiều vụ việc không hay về cán bộ, công chức. Nhưng đó lại chủ yếu về thái độ phục vụ chứ không phải sự than phiền về trang phục. Vì thế, điều quan trọng là làm sao có sự thay đổi về “chất” từ bên trong của cán bộ, công chức. Người dân phải thấy được sự tận tâm phục vụ, sự gần gũi, yên tâm, hiệu quả khi đến làm việc ở các cơ quan Nhà nước đó mới là điều phải hướng đến”.


    Đỗ Thơm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-tho-cam-cong-chuc-mac-quan-jean-ao-thun-cai-quan-cai-ao-khong-lam-nen-thay-tu-a201788.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan