+Aa-
    Zalo

    Cẩn thận cháy nổ vì thiết bị, phụ kiện điện thoại trôi nổi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Người dùng có thể mua phụ kiện ĐTDĐ thay thế ở bất cứ cửa hàng sửa chữa, mua bán điện thoại các loại.Tuy nhiên, những phụ kiện này nhiều loại chất lượng trôi nổi.

    Chai pin, hỏng cục sạc, dây sạc ĐTDĐ… người dùng có thể mua ở bất cứ cửa hàng sửa chữa, mua bán điện thoại các loại trên thị trường. Tuy nhiên, những phụ kiện này nhiều loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng trôi nổi.

    “Ma trận” phụ kiện ĐTDĐ

    Thực tế khảo sát thị trường phụ kiện ĐTDĐ tại TP.HCM, chỉ riêng cục sạc điện thoại các đời iphone cũng nhiều loại, nhiều giá. Phạm Văn Dũng - chủ một cửa hàng sửa chữa ĐTDĐ trên đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp) chào hàng: “Sạc điện thoại samsung 120 nghìn - 130 nghìn đồng/bộ, sạc iphone 5S, 6… giá 100 nghìn đồng/bộloại thường, 200 nghìn đồng/bộ loại tốt, tốt hơn nữa thì 300 nghìn đồng/bộ, hàng “zin máy” khách phải đặt hàng trước, giá khoảng 500 nghìn đồng/bộ”.

    Còn chủ cửa hàng điện thoại I.K trên đường Trần Não (Quận 2) thì chào mời cả vỉ cục sạc iphone “zin máy” giá chỉ 200 nghìn đồng/bộ và khẳng định: “Người mua không thể phân biệt được chất lượng các loại sạc điện thoại bằng cách quan sát bên ngoài. Chỉ người bán mới biết chính xác. Với dòng pin thay cho điện thoại cũng tương tự, đôi khi giá cũng chỉ chênh nhau vài chục ngàn. Ví dụ pin thay iphone 5S có giá 250 nghìn đồng/pin và 300 nghìn đồng/pin”.

    Rất khó phân biệt chất lượng các loại cục sạc pin ĐTDĐ trên thị trường

    Tại cửa hàng sửa chữa ĐTDĐ T.B. trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp), ông Trần Thanh Bình, chủ cửa hàng cho hay, sạc pin điện thoại có nhiều loại: sạc “tổ hợp” và sạc “linh kiện”. Đưa cho chúng tôi xem hai cục sạc điện thoại iphone giống nhau đến từng con số ký hiệu in trên cục sạc, ông Bình cho biết thêm: “Một loại cục sạc do tổ hợp sản xuất giá chỉ 30 nghìn - 40 nghìn đồng/cục, bán lẻ 50 nghìn đồng/cục, còn một loại là cục sạc linh kiện do hãng sản xuất, giá 200 nghìn đồng/cục. Một trong những cách nhận biết đơn giản nhất là sạc “tổ hợp” nhẹ hơn sạc của hãng. Tâm lý người mua chuộng đồ rẻ nên những sạc tổ hợp bán chạy hơn.

    Riêng pin của điện thoại thì cách nhận biết các loại rất khó, trừ khi đã từng tháo pin “zin” trong máy, so sánh độ sắc nét của chữ in trên pin với loại pin thay thế. Nhiều khách hàng mang điện thoại tới sửa khi pin đã phồng lên, cục sạc cháy đen do vừa cắm điện thì bị nổ. Cục sạc nổ, pin phồng rộp, bốc mùi khét lẹt là chuyện thường xuyên gặp khi chúng tôi sửa chữa điện thoại cho khách. Có trường hợp khách mang ra tiệm sửa chữa vừa cắm điện sạc, pin nóng chảy bốc khói”.

    Loại cục sạc ĐTDĐ được người bán giới thiệu là hàng"zin máy" 

    Một số chủ cửa hàng sửa chữa ĐTDĐ cho hay, trước đây nhận biết cục sạc điện thoại iphone hay samsung “zin” bằng cách đưa nam châm vào gần cục sạc, nếu nam châm không hút là đúng hàng “zin”. Nhưng hiện nay cách thử này không còn tác dụng, do cục sạc “rởm” cũng làm nhái được cách này, nên khó nhận biết. Trên thị trường bán lẻ các phụ kiện điện thoại rất hiếmhàng chính hãng. Hàng chính hãng chỉ có bán khi tráo phụ kiện của máy nguyên bản ngay sau khi mua về, đem bán lẻ giá cao. Ví dụ, pin iphone tháo từ điện thoại chính đem bán lẻ giá khoảng hơn 1 triệu đồng/cục.

    Thả nổi chất lượng phụ kiện điện thoại

    Ông Đặng Nam Sơn – Quản lý một chuỗi cửa hàng điện thoại Smartphone có thương hiệu tại thị trường TP.HCM cho biết, hiện thị trường phụ kiện điện thoại như pin, cục sạc, tai nghe của các dòng điện thoại samsung, iphone, ipad, nokia… bán trôi nổi không rõ nguồn gốc rất nhiều. Việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng rất hạn chế, nên tình trạng những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không giấy phép vẫn bán tràn lan trên thị trường, chất lượng thả nổi. Cháy nổ điện thoại nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng phụ kiện “rởm”.

    "Ma trận" các loại sạc pin điện thoại

    PGS.TS Hoàng Đình Chiến, khoa Điện - Điện tử, trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, hiểu đơn giản thì nguyên lý hoạt động của pin sạc đối với thiết bị điện tử hoạt động theo nguyên tắc bình thông nhau. Khi sạc qua cổng USB, chất lượng thiết bị kém thì pin, sạc nóng rất nhanh, có thể gây chập mạch, các phần tích điện bị nóng chảy, đường cách điện yếu, không an toàn cho người sử dụng.

    Ông Chiến khuyến cáo người dùng nên bỏ thói quen vừa sạc pin vừa nghe điện thoại hoặc sử dụng các trình ứng dụng khác như lướt web, đọc báo, nghe nhạc… rất nguy hiểm, gây chóng hỏng máy, chai pin, gây cháy nổ, điện thoại hết khả năng phục hồi. Vì quá trình sạc pin nguồn áp đang vào máy, bo mạch nóng lên, nếu người dùng sử dụng loại cục sạc trôi nổi, pin, linh kiện điện thoại kém chất lượng sẽ không tương thích với linh kiện điện thoại chính hãng, khiến nguồn điện vào thất thường lúc mạnh lúc yếu, độ nắn dòng không ổn định, ảnh hưởng tới mạch sạc, cũng đồng thời ảnh hưởng tới pin của điện thoại.

    Đặc biệt, khi gặp tác động kép do người dùng sử dụng cùng lúc các ứng dụng khác sẽ gây cháy nổ. Tốt nhất khi sạc nên để chế độ máy bay, vừa sạc nhanh, các chức năng khác không hoạt động giúp tiết kiệm nguồn áp sạc vào, không nóng máy, không nóng cục sạc.

    Ngoài ra, khi sạc nên đặt điện thoại trên mặt bàn, không nên đặt trên chồng sách, báo, giấy, tránh trường hợp do cục sạc, pin điện thoại không tốt, tạo nhiệt độ cao dễ gây cháy. Thứ ba, nên mua sản phẩm linh kiện điện tử tại trung tâm bán uy tín, nguồn gốc hàng rõ ràng. Sản phẩm giới thiệu hàng chính hãng cần có kiểm định các thông số trên sản phẩm mà hãng đưa ra.

    Đã có không ít những tai nạn đáng tiếc xảy ra do nổ cục sạc, nổ pin điện thoại, điện giật khi người dùng sạc pin điện thoại… Gần đây nhất là trường hợp chị N.T.L. (24 tuổi, ngụ xóm 1, xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) tử vong do sạc pin điện thoại. Người nhà phát hiện chị L. nằm bất động trên sàn nhà, phía cổ còn có một chiếc điện thoại đang sạc. Cơ quan công an nhận định, nạn nhân bị điện giật dẫn đến tử vong trong lúc sạc điện thoại di động.

    Còn trường hợp chị Nguyễn Thị Nga (trú tại phường Quang Tiến, Nghệ An) cắm sạc điện thoại, cục sạc bất ngờ chập nổ phát lửa gây hỏa hoạn thiêu rụi nhiều đồ dụng, vật dụng trong nhà, may mắn không ảnh hưởng tính mạng, nhưng thiệt hại về tài sản ước tính hàng chục triệu đồng…

    Vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường TP.Hà Nội thu giữ hơn 14.000 sản phẩm của 27 mặt hàng gồm pin, sạc, tai nghe, sạc dự phòng và một số thiết bị điện tử không rõ nguồn gốc, được chở trên ôtô tải BKS: 34C-166.84. Trong đó, số lượng pin dùng cho điện thoại iphone 5 lên đến 2.900 viên, 240 chiếc sạc nhãn hiệu samsung. Toàn bộ số hàng trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng.

     Hương Nguyên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-than-chay-no-vi-thiet-bi-phu-kien-dien-thoai-troi-noi-a225956.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.