(ĐSPL) - Mục tiêu trên hết trong sửa đổi Luật Báo chí lần này là nhằm phát triển báo chí mạnh mẽ hơn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí tổ chức tại Hà Nội sáng 12/11.
Theo tin tức từ Báo Xây Dựng, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Trong những năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ về số lượng mà còn cả chất lượng. Báo chí đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đặc biệt là góp phần quan trọng cho việc thực hiện chính sách được sát với các yêu cầu thực tiễn... Tuy nhiên, thực tiễn trong quá trình phát triển cho thấy Luật Báo chí hiện hành còn có nhiều bất cập cần phải điều chỉnh, sửa đổi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, mục tiêu trên hết trong sửa đổi Luật Báo chí lần này là nhằm phát triển báo chí mạnh mẽ hơn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ đất nước; bảo đảm tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân. Ban soạn thảo cũng cần làm rõ những bất cập trong thực thi Luật Báo chí, vai trò của cơ quan chủ quản, mối quan hệ giữa luật báo chí với các quy định khác. Sửa đổi luật phải có tầm nhìn xa vì thế giới đã thay đổi rất nhanh và báo chí là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất.
Cũng theo Phó Thủ tướng, sự phát triển của công nghệ thời gian qua diễn ra đặc biệt nhanh chóng do vậy khi xây dựng luật phải tính được những thay đổi này.
Phó Thủ tướng cũng nêu ra ví dụ trong phát triển của VTV như sự liên kết, xã hội hóa một số chương trình, nội dung. Điều này đặt ra yêu cầu mới: Trong xây dựng luật cần tính đến nhu cầu phát triển chính đáng của các cơ quan báo chí tương lai. “Không nên chỉ vì một vài biểu hiện tiêu cực rồi ra ngay quy định bịt hết lại. Mục tiêu của sửa đổi luật lần này không phải như vậy”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Theo thông tin trên Báo Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ của internet và phổ cập ứng dụng công nghệ thông tin đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của thông tin, truyền thông. Thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua đã đặt ra nhiều vấn đề mới vượt ra ngoài các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Một số đại biểu đề nghị phải sớm có biện pháp xử lý hiệu quả những biểu hiện thương mại hóa, dấu hiệu “tư nhân hóa” báo chí dưới nhiều hình thức, tình trạng vi phạm bản quyền. Cùng đó, cần quy định tiêu chuẩn biên tập viên, phóng viên…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng đã tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng thời tổng kết các vấn đề bất cập; kiến nghị những vấn đề cần sửa đổi của Luật Báo chí hiện hành.
Luật Báo chí (sửa đổi) hiện đang được tiếp thu lấy ý kiến và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2015.
Luật Báo chí được Quốc hội thông qua ngày 28/12/1989. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí được Quốc hội thông qua ngày 12/6/1999. Tổng cộng có 50 văn bản pháp quy về hoạt động báo chí. Cả nước hiện có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm. Trong đó 199 cơ quan báo in và 639 tạp chí. Có 90 báo điện tử; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh, truyền hình; 18.000 nhà báo được cấp thẻ và 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. |