Theo thông tin trên RT, một đoạn video mới do Tập đoàn quốc phòng Nga Rostec công bố trên Telegram hôm 2/10 đã làm dấy lên nghi ngờ về chất lượngviện trợ quân sự mà Mỹ gửi cho Ukraine.
Cụ thể, trong cuộc thử nghiệm so sánh, một chiếc áo chống đạn được cho là chiến lợi phẩm từ chiến trường cho thấy hiệu suất kém “bất ngờ”.
Cuộc thử nghiệm được cho là đã xem xét 3 chiếc áo chống đạn mà một người dân thường có thể mặc với mục tiêu được bảo vệ tối đa trong khi hầu như vẫn duy trì được khả năng di chuyển.
Ba mẫu áo được đưa vào thử nghiệm là áo chống đạn của Trung Quốc, áo chống đạn mới được Nga phát triển và áo chống đạn của Mỹ. Tất cả đều ít nhiều tương ứng với lớp bảo vệ Br5 của Nga.
Video ghi cảnh áo chống đạn Mỹ bị đạn xuyên thủng trong một cuộc thử nghiệm. Nguồn: Rostec/RT
Ông Aleksey Yegorov - nhà báo kiêm chuyên gia trong ngành công nghiệp quốc phòng cho biết, kết quả thử nghiệm áo chống đạn của Mỹ đã khiến những người thực hiện ngỡ ngàng.
Khác với hai mẫu áo còn lại, áo chống đạn của Mỹ bị xuyên thủng bởi một phát đạn 7,62x39mm từ khẩu Kalashnikov AK-103 ở khoảng cách 15m.
Trong cuộc thử nghiệm sau đó với một chiếc áo giáp mới, mẫu áo của Mỹ chặn được một viên đạn 7.62x51mm. Loại đạn được bắn là .308 Winchester - loại đạn săn dễ mua với kích thước hộp đạn gần giống với loại của NATO. Theo chia sẻ của Rostec, khác với đạn của Nga, mẫu đạn này không có lõi thép bên trong.
Hai phát đạn tiếp theo là đạn 5,45x39mm được bắn từ súng trường tấn công Kalashnilov. Một trong hai viên đạn này đã xuyên qua chiếc áo chống đạn. Người dẫn chương trình cho biết, viên đạn này bắn quá gần vị trí mà .308 Winchester tiếp xúc, khiến tác dụng bảo vệ giảm xuống.
XEM THÊM: Ukraine, Ba Lan và Litva đạt được thỏa thuận nhằm đẩy nhanh xuất khẩu ngũ cốc của Kiev
Trong khi đó, hai mẫu áo chống đạn của Trung Quốc và Nga có sức chống chịu tốt hơn đáng kể khi đối mặt với các loại đạn dược mà binh sĩ Ukraine phải đối phó trong cuộc xung đột với Nga.
Rostec cho biết họ khá chắc chắn rằng áo chống đạn trong thử nghiệm được sản xuất tại Mỹ nhưng không giải thích cách họ xác nhận tính xác thực của điều này.
Đinh Kim (Theo RT)