Báo Dân trí dẫn nguồn Khmer Times cho biết, người phát ngôn kiêm Thứ trưởng Bộ Hàng không Dân dụng Campuchia (SSCA) ông Sin Chanserivutha hôm 27/5 cho biết: "Thông tin truyền thông đưa tin về MH370 ở Campuchia là giả mạo. Chúng tôi không biết mục đích của tin giả này mà chỉ biết họ có ý đồ xấu chống lại Campuchia".
Bình luận trên được đưa ra sau khi báo Mirror của Anh đưa tin rằng "Google Maps đã giải mã bí ẩn MH370 khi xác máy bay được tìm thấy trong một rừng rậm Campuchia".
Ông Chanserivutha nói, việc đưa tin sai sự thật trên truyền thông và hình ảnh cách đây khoảng 8 năm mới được sửa lại và đăng tải gần đây đã gây ra sự nhầm lẫn.
Ông Chanserivutha nhấn mạnh, các nhà nghiên cứu quốc tế hoặc bất cứ ai tìm thấy hoặc có đủ bằng chứng chứng minh máy bay Malaysia Airlines mất tích được tìm thấy trong rừng rậm Campuchia thì chính phủ Campuchia sẵn sàng hợp tác với chính phủ Malaysia. Nếu Malaysia đề nghị mở cuộc điều tra mở, Campuchia sẵn sàng hợp tác.
Tuyên bố được ông Chanserivutha đưa ra sau khi trang Mirror của Anh ngày 25/5 đăng bài viết cho hay "bí ẩn MH370 đã được Googles Maps giải đáp, với xác máy bay được phát hiện ở khu vực sâu nhất trong rừng rậm Campuchia". Bài viết còn đăng kèm ảnh chụp màn hình bản đồ vệ tinh Goolge Maps, thể hiện một vật thể màu trắng "giống như xác máy bay" trong rừng, theo VnExpress.
Giới chuyên gia cũng cho rằng hình ảnh này không có căn cứ, bởi nếu MH370 thực sự rơi trong rừng, thảm thực vật trong 10 năm qua cũng sẽ bao phủ nó, khiến việc nhìn thấy bằng ảnh vệ tinh là bất khả thi.
Máy bay MH370 chở 239 người biến mất ngày 8/3/2014, khi trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Theo phân tích dữ liệu vệ tinh, MH370 bay về phía nam Ấn Độ Dương, lệch hàng nghìn km so với đường bay định sẵn và kết thúc hành trình ở vùng biển tây nam thành phố Perth của Australia.
Tới tháng 1/2015, Malaysia tuyên bố chuyến bay MH370 gặp nạn, toàn bộ 239 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng, nhưng xác máy bay chưa từng được tìm thấy.
Australia trong nhiều tháng đã dẫn đầu chiến dịch tìm kiếm đa quốc gia, quy mô lớn nhất lịch sử hàng không thế giới, trên khu vực rộng 120.000 km2 ở Ấn Độ Dương. Không thu được kết quả nào, chiến dịch tìm kiếm kết thúc tháng 1/2017.
Vào thời điểm MH370 biến mất, Campuchia đã cử 2 tàu và 4 trực thăng hỗ trợ tìm kiếm. Một số mảnh vỡ đã được tìm thấy trên bờ biển các đảo ở châu Phi và được xác nhận là một phần xác phi cơ MH370.