Nhiều người thấy ông Lĩnh hay đi thu gom đồ gia dụng cũ, hỏng về đều cười chê nhưng khi nhìn thấy chúng được sửa chữa thành vật hữu ích đã rất bất ngờ.
Tivi sử dụng ăng ten do ông tự chế tạo. Ảnh: Vietnamnet |
Mười bốn năm nay, ông Nguyễn Hồng Lĩnh (SN 1946, Nam Từ Liêm, Hà Nội) dành thời gian để tái chế rác thải thành đồ vật mới.
Người đàn ông 74 tuổi cho biết, ông lượm rác về tái chế vì muốn tiết kiệm, góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường.
"Mỗi món đồ, tôi làm từ vài tiếng đến vài ngày, dài nhất là 4 năm. Tùy vào mức độ cầu kỳ. Nhiều đồ phải hỏng đến cả chục lần, tháo ra làm lại mới thành công. Bất cứ đồ vật nào cũng có giá trị, ngay cả khi đã cũ hỏng", ông Lĩnh nói.
Hiện ở nhà ông có hơn trăm món đồ gia dụng được tái chế từ rác thải.
“Nhờ công việc này, đầu óc tôi minh mẫn, con người lúc nào cũng năng động. Vợ và các con thấy tôi tâm huyết cũng ủng hộ”, ông Lĩnh tâm sự.
Gần đây, người đàn ông này còn tự làm chiếc ăng ten thu phát sóng, bắt được nhiều kênh truyền hình với độ nét cao.
“Nhà tôi dùng 2 tivi, 1 tivi dùng cáp VTV (truyền hình trả phí) để trong phòng ngủ. Một tivi dùng ăng ten tôi làm (thu truyền hình miễn phí) đặt tại phòng khách”, ông nói.
Chiếc ăng ten này, ông chế tạo trong 5 tiếng. Nguyên liệu từ cây treo quần áo bằng inox, người ta bỏ ra ngoài nhà rác. Ông Lĩnh mang về cắt gọt theo tỉ lệ đã tính toán rồi dùng gỗ nối chúng thành ăng ten vô tuyến.
“Tôi định dùng máy khoan nhưng thanh inox tròn, khó thao tác. Cuối cùng tôi tự đục lỗ và bắt ốc vít vào”, ông Lĩnh chia sẻ.
Một hình ảnh đẹp khác là ôn g Trần Văn Tuốt ở ấp 10, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Mặc dù bản thân là người khuyết tật ở chân, không thể làm việc, nhưng 20 năm qua, ông Tuốt vẫn đều đặn cùng vợ thực hiện công việc vớt rác làm sạch dòng sông.
Ông Tuốt cho biết, do khuyết tật, bản thân ông hàng ngày chỉ có thể làm những việc nhẹ. Nhưng một ngày, vợ ông phát bệnh mà nguyên nhân được xác định là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Quay lại nhìn con sông nơi mình sống ngày càng nhiều rác, ông càng cảm thấy không yên.
Ông Tuốt cho biết, nhìn thấy cảnh xác động vật chết, vỏ thuốc trừ sâu cùng nhiều thứ rác thải đều nằm dưới sông ông rất lo. Bởi theo ông, "đầu độc" nguồn nước thì khác gì tự mình hại mình. Vì vậy mà hàng ngày ông cứ đi vớt hết. Thỉnh thoảng, có nhiều người ủng hộ ít dụng cụ để ông thực hiện công việc của mình.
Mộc Miên (T/h)