+Aa-
    Zalo

    Cách tránh đạp nhầm chân ga, chân phanh khi lái ô tô để không xảy ra tai nạn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đạp nhầm chân ga với chân phanh được xem là nỗi sợ ám ảnh đối với không ít các tài xế, đặc biệt là các xế mới và tay lái nữ.

    Đạp nhầm chân ga với chân phanh được xem là nỗi ám ảnh lớn đối với không ít các tài xế, đặc biệt là các xế mới và tay lái nữ.

    Hàng loạt tai nạn xảy ra do tài xế nhầm chân ga với chân phanh

    Có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra thời gian gần đây do tài xế dẫm nhầm chân ga với chân phanh. Như vụ ô tô lao xuống hồ Linh Đàm tối ngày 1/5, do tài xế đạp nhầm chân ga với chân phanh. Rất may thời điểm xảy ra vụ việc, nam tài xế đã kịp thời đạp cửa bơi lên bờ an toàn.

    Tai nạn liên hoàn ở Hải Dương do nữ tài xế đạp nhầm chân ga với chân phanh ngày 17/5.

    Tiếp đó là vụ việc người phụ nữ lái xe Mercedes tông liên tiếp nhiều xe máy, đâm đổ cột đèn rồi lật ngang tại cầu vượt Mai Dịch, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy vào sáng 9/4, khiến 3 người bị thương phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Nữ tài xế khai nhận do đã đạp nhầm chân ga và chân phanh khiến chị không kiểm soát được chiếc xe dẫn đến vụ tai nạn.

    Cũng vào ngày 9/4, tại Hà Nội, chiếc ô tô hiệu Toyota Altis BKS 30T-3538 do một phụ nữ điều khiển chở theo 1 người phụ nữ khác đã lao thẳng vào một cửa hàng bán hoa quả trên phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng khiến nhiều người kinh hãi.

    Nguyên nhân và cách khắc phục đạp nhầm chân ga với chân phanh

    Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới đạp nhầm chân ga thường là do: Tâm lý thiếu vững vàng; tư thế ngồi khi lái xe chưa chuẩn lấy chân phải giữ ga, chân trái đạp phanh; quên gạt cần số, vẫn ở chế độ D.

    Dưới đây là những kinh nghiệm để hạn chế tình huống nhầm chân ga ngoài ý muốn:

    Đặt vị trí chân đúng cách

    Để không xảy ra tình trạng đạp nhầm chân ga thì tư thế ngồi lái cần chuẩn. Ngay khi vào xe, lái xe cần cân chỉnh ghế ngồi sao cho thoải mái nhất, dễ dàng điều khiển chân phanh, ga, phanh tay, cần số. Một tư thế ngồi thoải mái sẽ giúp đôi chân linh hoạt, không bị “cứng” khi xử lý các tình huống.

    Tài xế cần giữ vững nguyên tắc gót chân không rời sàn xe, chỉ sử dụng chân phải để điều khiển ga và phanh. Lúc này, gót chân để ở vị trí thẳng hàng với bàn đạp phanh và chỉ sử dụng phần ức bàn chân qua lại giữa hai chức năng này. Việc giữ vững gót bàn chân dưới sàn giúp vị trí của chân luôn đúng, tránh tình trạng đặt nhầm và đặc biệt là có thể dễ dàng điều chỉnh lực ga hay lực phanh.

    Rời chân ga, rà chân phanh

    Các lái xe nên giữ thói quen "rời chân ga - rà chân phanh" - có nghĩa là ngay khi nhấc chân phải khỏi chân ga thì ngay lập tức xoay chân phải sang chân phanh để hình thành thói quen luôn sẵn sàng phanh trong mọi tình huống. Hành động này nên được tập thành thói quen ngay cả khi không có tình huống nguy hiểm vì nó giúp tài xế luôn trong tình trạng sẵn sàng phanh, thay vì nhấn ga.

    Giữ tinh thần tỉnh táo

    Dù kỹ năng lái xe của bạn tốt đến đâu nhưng khi cơn buồn ngủ ập đến, hoặc tinh thần bị ảnh hưởng xấu bởi chất kích thích, cơ thể đang ốm đau mệt mỏi hay đau nhức, việc lái xe sẽ tiềm ẩn những nguy cơ thiếu an toàn. Hãy ngủ đầy giấc trước mỗi hành trình xa, ngừng lái mỗi ngày bốn tiếng để cơ thể thư giãn và tuyệt đối không dùng chất kích thích như rượu, bia, ma túy.

    Dừng xe, về số N hoặc P

    Trong trường hợp chỉ tạm dừng xe (chờ đèn đỏ, hỏi đường) thì chuyển về N và kéo phanh tay. Việc kéo phanh tay không bao giờ thừa vì nó giúp chân bạn thư giãn, chỉ cần đặt hờ lên phanh trong thời gian ngắn và đảm bảo xe không bị trôi trên địa hình dốc nhẹ. Khi dừng xe lâu, ở vị trí an toàn thì tài xế nên chuyển về số P và kéo phanh tay.

    Sở dĩ nên tuân theo nguyên tắc này vì nếu để nguyên số ở vị trí D, chỉ cần người lái bị giật mình bởi tiếng động lạ, bị tác động bởi sự cố bất thường là có nguy cơ đạp ngay sang chân ga dẫn đến xe mất kiểm soát và dễ gây ra tai nạn liên hoàn.

    Không sử dụng giày cao gót, hay đế quá dày

    Phụ nữ là đối tượng thường hay gặp phải vấn đề này, có đến 80% số người tham gia khảo sát thừa nhận mang giày không đúng cách khi điều khiển ô tô. Và khoảng 40% trong số đó nói rằng họ mang giày cao gót trong lúc lái xe. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến việc lái xe mất an toàn.

    Giày cao gót có diện tích tiếp xúc với mặt sàn nhỏ khiến lực tác động ở phần đầu chân lên bàn đạp phanh, ga không tối ưu.

    Trong một số trường hợp, chân người lái có thể bị trượt khỏi bàn đạp. Trong những tình huống bất ngờ, người lái mất bình tĩnh có thể đạp nhầm chân ga thay vì phanh hoặc ngược lại. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến việc lái xe mất an toàn.

    Vì thế, lái xe khi điều khiển xe ô tô cần sử dụng giày đế mỏng, phẳng để thao tác tốt hơn với phanh, ga. Việc sử dụng chân trần để điều khiển xe cũng được khuyến cáo không nên, vì có thể khiến chân mỏi trong những hành trình xa. Nếu công việc khiến lái xe thường xuyên mang những loại giày chuyên dụng, giày cao gót, thì việc chuẩn bị một đôi giày đế phẳng trong ô tô là một giải pháp.

    Tương tự với lái xe nam, không nên đi giày có đế quá dày, bởi khi đó sẽ khó cảm nhận độ đàn hồi, mức độ đạp ga, phanh. Nên mang giày đế mỏng để cảm nhận được sự chân thật và dễ phản ứng hơn.

    Minh Khôi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cach-tranh-dap-nham-chan-ga-chan-phanh-khi-lai-o-to-de-khong-xay-ra-tai-nan-a276577.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan