+Aa-
    Zalo

    Cách tính lương hưu mới thiệt thòi cho công chức, viên chức?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu căn cứ vào mức lương và mức đóng bảo hiểm xã hội người lao động trong khu vực nhà nước sẽ rất thiệt thòi.

    (ĐSPL) - Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu căn cứ vào mức lương và mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), thường là rất thấp, trong những năm đầu công tác để tính lương hưu, thì người lao động trong khu vực nhà nước sẽ rất thiệt thòi.
    Băn khoăn, lo lắng
    Theo Dự thảo luật BHXH (sửa đổi), từ ngày 1/1/2015 cách tính lương hưu của cán bộ, viên chức Nhà nước, công chức tham gia BHXH sẽ thay đổi nhằm đảm bảo Quỹ hưu trí không rơi vào tình trạng mất cân đối.
    Theo đó, lương hưu của cán bộ, viên chức Nhà nước, công chức tham gia BHXH sẽ được tính dựa trên bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH giống như cách tính lương hưu cho người lao động khu vực ngoài Nhà nước.
    Hiện nay, lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Trong khi đó, lương hưu của người lao động khu vực ngoài Nhà nước lại tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
    Cách tính lương hưu mới: Thiệt thòi cho công chức, viên chức?
    Cách tính lương hưu mới: Thiệt thòi cho công chức, viên chức?
    Thứ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Minh Huân cho biết, việc thay đổi cách tính đóng - hưởng lương hưu nhằm từng bước thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng, bảo đảm bình đẳng trong thụ hưởng chế độ giữa các đối tượng tham gia, góp phần cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn.
    Có ý kiến cho rằng, với mức tăng lương khoảng 10-15\% mỗi năm như hiện nay, người lao động khu vực Nhà nước sẽ vẫn được hưởng lương hưu cao dù đóng BHXH thấp hơn khu vực ngoài Nhà nước.
    Không tán đồng, ông Nguyễn Văn Nam (cán bộ về hưu ở Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: "Công chức, viên chức thường có thời gian làm việc 20-30 năm. Những năm đầu, lương tương đối thấp nên nếu tính lương hưu theo bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH thì chắc chắn lương hưu sẽ giảm khá mạnh. Bên cạnh đó, không thể so sánh mức lương trong và ngoài Nhà nước vì vốn dĩ khu vực tư nhân luôn có mức lương cao hơn. Đó là chưa kể, mức đóng BHXH của người khu vực Nhà nước thấp hơn khu vực ngoài Nhà nước".
    Dư luận đang thấy hoang mang trước thông tin trên. Nhiều người cho rằng, xưa nay, các vị trí công việc trong khu vực công vốn thu hút người lao động vì có những chính sách ưu tiên hơn khu vực tư. Dù lương thấp nhưng ổn định, có thể duy trì được kinh tế gia đình sau khi về hưu. Nếu triển khai cách tính lương hưu mới, khu vực công sẽ không còn sức hút đối với người lao động, đặc biệt là những nhân tài.
    Chị Mai Thị T., 24 tuổi, đang công tác tại ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, hiện tại chị đang hưởng mức lương tối thiểu 1.150.000 đồng/ tháng (hệ số 2,34). Tại cơ quan chị, nếu là chuyên viên thường, chỉ trông đợi vào việc tăng lương của Nhà nước thì lương sẽ rất thấp. Chị T. rất lo lắng vì cách tính lương hưu mới sẽ căn cứ trên toàn bộ thời gian đóng BHXH, thay vì 10 năm như hiện nay.
    Thiệt thòi nếu lấy thêm những năm công tác đầu làm căn cứ?

    Nhiều ý kiến cho rằng, sẽ không hợp lý nếu so sánh mức lương khu vực Nhà nước và tư nhân (ảnh minh hoạ)

    Đã thiệt thòi lại càng thiệt thòi hơn?
    Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, TS. Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính phân tích: "Khu vực công và tư đều có những ưu đãi riêng. Những người vào Nhà nước làm thường có tâm lý rằng: dù lương thấp nhưng ổn định và được Nhà nước bảo hộ. Ngay cả thời điểm trước khủng hoảng, lương bên ngoài dù khá hơn nhưng nhiều người vẫn thích làm Nhà nước. Với cách tính cũ thì những người làm trong khu vực công cũng thấy mình được ưu tiên so với bên ngoài. Đó cũng là một động lực cho nguồn nhân lực đổ vào Nhà nước, trong đó có những nhân tài".
    Theo TS. Can, nên tính lương hưu công bằng bất kể khu vực công hay khu vực tư, trong Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Công bằng trong hưởng thụ, công bằng trong đóng góp và công bằng về lương hưu. Sẽ có những người không đồng tình với cách tính này.
    Bởi khi làm cho Nhà nước, mà lại bị mất đi những ưu tiên, những khuyến khích, trong khi lương lại không bằng bên ngoài thì chắc chắn khu vực nhà nước sẽ không thu hút được nhân lực, đặc biệt nhân tài. Ưu tiên ít, cơ hội ít, những người càng làm việc chân thành lại càng khó có điều kiện phát triển.
    Thiệt thòi nếu lấy thêm những năm công tác đầu làm căn cứ?

    TS. Ngô Thành Can: Người lao động sẽ rất thiệt thòi.

    Về phản ứng của dư luận, TS. Ngô Thành Can cho rằng, nhiều người hiện đang làm trong Nhà nước sẽ cảm thấy thua thiệt vì lương hưu thấp đi và không hài lòng về những năm tháng mình cống hiến. Những người mới, đặc biệt là những người giỏi sẽ không sẵn lòng làm việc trong khu vực công. Chính sách ưu đãi nhân tài vốn đã có những điểm chưa đồng bộ, nếu cộng thêm chính sách này nữa thì không hiểu khu vực công có thể thu hút được nhân tài hay không?
    Trong bối cảnh lương của khu vực Nhà nước không cao, mới chỉ ở mức trung bình thấp, các chính sách ưu đãi với khu vực công lại chưa nhiều, nên chắc chắn dự thảo này sẽ không được nhiều người ủng hộ.
    Về quỹ hưu trí, TS Ngô Thành Can cho rằng, chưa có những áp lực ghê gớm lên quỹ này. "Vì đời sống tăng lên, tuổi thọ kéo dài, nhiều nước đã gia hạn thêm năm công tác. Theo tôi, không nên đột ngột cắt luôn cách tính 10 năm để áp dụng cách tính dựa trên thời gian đóng BHXH của toàn bộ thời gian lao động. Có thể lấy 50\% thời gian đóng BHXH khi đang công tác làm căn cứ. Chẳng hạn, tổng thời gian công tác là 30 năm thì tính dựa trên căn cứ là 15 năm. Làm như vậy để các đối tượng hưởng lương hưu thích ứng dần. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng có thời gian tìm thêm những giải pháp đồng bộ khác như là: áp dụng các biện pháp gia hạn thêm năm công tác (nhưng không đi liền với gia hạn tuổi lãnh đạo), nghỉ sớm để chuyển sang làm khu vực tư đến một độ tuổi nhất định…", ông Can nói.

    Nên nghiên cứu thêm những giải pháp khác
    Một vị nguyên ĐBQH cho rằng, thay đổi cách tính lương hưu như Dự thảo đưa ra có thể là một giải pháp giảm nhẹ bớt áp lực lên quỹ hưu trí. Lương hưu hiện chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của đa số công chức, viên chức sau khi nghỉ hưu, nếu nếu giảm mạnh, có thể càng khó khăn hơn cho người về hưu. Đó là chưa kể, không thể so sánh cách tính lương ở trong và ngoài Nhà nước. Nhiều người với mức lương Nhà nước hiện tại đã vô cùng khó khăn. Chính vì thế, bộ LĐ-TB&XH cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cach-tinh-luong-huu-moi-thiet-thoi-cho-cong-chuc-vien-chuc-a28146.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan