(ĐSPL) – Khi thấy xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, người dân nên đến ngay các cơ sở nhãn khoa để được khám và điều trị đúng cách, không nên tự ý mua thuốc điều trị.
Bệnh đau mắt đỏ là bệnh cấp tính, triệu chứng thường dễ phát hiện, dễ lây nhưng lành tính và ít để lại di chứng.
Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và lao động. Trên thực tế đã có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực về sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
[mecloud]QGx5FB6Ej1[/mecloud]
Xem video Cách phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ.
Theo tin tức trên VTV, trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh đau mắt đỏ, các bác sĩ cho biết, để phòng ngừa đau mắt đỏ, người dân nên có những biện pháp phòng bệnh để bảo vệ trước khi dịch bệnh bùng phát.
Cách phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ. Ảnh minh họa. |
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ:
- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, nhất là trước và sau khi tra thuốc nhỏ mắt, lau mắt.
- Sử dụng khăn mặt riêng. Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày, dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt…
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi rỏ thuốc nhỏ mắt. Ảnh minh họa. |
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
- Không nên dùng tay dụi mắt.
- Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh, các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đến các bể bơi công cộng.
- Trẻ em bị đau mắt đỏ nên được nghỉ học để tránh lây lan.
- Ngoài ra, nên rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9\%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
Cũng theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ, người dân nên đến ngay các cơ sở nhãn khoa để được khám và điều trị đúng cách, bởi có rất nhiều bệnh mắt có dấu hiệu giống với đau mắt đỏ. Việc tự ý mua thuốc điều trị nếu không đúng bệnh sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc.
Xử trí khi bị đau mắt đỏ
Bác sĩ Lê Xuân Thủy, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ với báo VnExpress về cách xử lý đối với người bị bệnh (hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ):
- Lau rửa mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.
- Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn; tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.
- Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Những trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh.
- Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị một bên mắt trước, người thân cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn). Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, ngủ riêng.
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.
- Nếu bệnh không thuyên giảm sau vài ngày phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Tuyệt đối không tự ý đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu...
MẠC NHIÊN(Tổng hợp)