Hội nghị Trung ương 9 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Ông Tất Thành Cang mới được bổ nhiệm chức Trưởng ban Chỉ đạo hòa giải, đối thoại TP.HCM cách đây hơn 1 tháng - sau khi Thành uỷ TP.HCM kết luận những sai phạm của ông và đề nghị xem xét kỷ luật.
Chỉ còn chức Trưởng ban Chỉ đạo hòa giải, đối thoại TP.HCM
Ông Tất Thành Cang đã bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Như vậy, ông Tất Thành Cang chỉ còn giữ chức Trưởng ban Chỉ đạo hòa giải, đối thoại TP.HCM và Phó ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TP.HCM.
Trước đó, ngày 7/11, tại Hội nghị triển khai thí điểm tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết án dân sự, hành chính ở TP.HCM, Tòa án Nhân dân TP công bố thành lập 10 trung tâm hòa giải, đối thoại.
10 trung tâm này đặt tại TAND TP.HCM và TAND quận 1, quận 2, quận 9, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Đây là các địa bàn có số lượng án tranh chấp dân sự, hành chính cao và phức tạp.
Các trung tâm bắt đầu hoạt động từ ngày 1/11, với bộ máy gồm 1 giám đốc, 1 phó giám đốc, 5-15 hòa giải viên, đối thoại viên, thư ký. Nhiệm vụ chính là hòa giải những tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân gia đình, lao động; đối thoại khiếu kiện hành chính.
Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại gồm 12 thành viên và bầu ông Tất Thành Cang (khi đó còn là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TP.HCM) làm Trưởng ban.
Ông Tất Thành Cang không còn là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM |
Sai phạm liên quan tới bất động sản
Trong các sai phạm của ông Tất Thành Cang khi đương chức, có sai phạm liên quan đến chuyển nhượng hơn 32 ha đất đã đền bù của Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận, doanh nghiệp của Đảng bộ TP.HCM) tại dự án khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.
Dự án khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) được UBND TP.HCM chấp thuận địa điểm đầu tư cho Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) vào năm 2009. Công ty Tân Thuận đã bồi thường được hơn 32ha đất. Tuy nhiên văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư của Công ty Tân Thuận hết thời hạn vào năm 2013. Vì vậy, tháng 4/2017, Công ty Tân Thuận gửi công văn đến Văn phòng Thành ủy TP.HCM xin hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai để thực hiện dự án.
Tháng 6/2017, Văn phòng Thành ủy TP.HCM có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Bí Thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang về chuyển nhượng hơn 32ha đất nói trên.
Theo đó, Phó Bí Thư thường trực Thành ủy TP.HCM chấp thuận chủ trương giao hội đồng thành viên và tổng giám đốc Công ty Tân Thuận quyết định và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện việc chuyển nhượng hơn 32ha đất cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Cuối năm 2017, cơ quan chức năng phát hiện giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thấp hơn so với giá thị trường, thấp hơn cả giá do Công ty Tân Thuận lập phương án bồi thường tiếp cho dân ở dự án khu dân cư Phước Kiển.
Vào thời điểm lần đầu giao dịch giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai, giá chuyển nhượng lô đất trên chỉ khoảng 1,29 triệu đồng/m2 ; trong khi đất của người dân liền kề với tình trạng tương tự được giao dịch khoảng 10 triệu đồng/m2 .
Ngoài ra, trong thời gian là Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang cũng đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 04 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án BT xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm |
Ngày 1/12/2014, UBND TPHCM và Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Quang Minh đã ký chính thức hợp đồng BT dự án 4 tuyến đường chính khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trước đó, 2 bên đã ký tắt hợp hợp đồng BT để khởi công dự án từ tháng 2/2014, để kịp hoàn thành vào năm 2017 (sau 36 tháng thi công). Tuy nhiên, đến nay các tuyến đường vẫn chưa hoàn thành do chưa có đủ mặt bằng thi công.
Cụ thể, tháng 11/2013, Công ty Đại Quang Minh đã ký tắt hợp đồng BT với UBND TPHCM. Bản hợp đồng tắt này được ông Tất Thành Cang đại diện UBND thành phố ký kết và được đóng dấu “mật”.
Để thanh toán cho hợp đồng, UBND TPHCM trả cho Đại Quang Minh 79ha đất (phường Thủ Thiêm và An Lợi Đông) trong đó có 46ha đất khai thác thương mại, bao gồm cả diện tích của toàn bộ bến du thuyền, hai nhà văn hóa, 2 trường học.
Đáng chú ý, việc thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư được thực hiện cùng thời điểm chứ không phải chờ đến khi hoàn thành 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bốn tuyến đường chính gồm đại lộ vòng cung (3,4km), đường ven hồ trung tâm (3km), đường ven sông Sài Gòn (3km), đường châu thổ qua khu lâm viên sinh thái phía Nam (2,5km), với tổng chiều dài 11,9km, bao gồm 10 cây cầu trong đó có 2 cầu cạn (1,8km).
Bốn tuyến đường có mặt cắt ngang từ 11-55m, cho 2-4-6 làn xe lưu thông. Trong đó, rộng nhất là đại lộ vòng cung cho 6 làn xe lưu thông, mặt cắt ngang rộng 55m. Tổng vốn đầu tư của dự án là 8.200 tỷ đồng, gồm cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi ngân hàng.
Minh Minh
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 156