Chiều ngày 15/8, nguồn tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết Cơ quan CSĐT của tỉnh này đang làm rõ các hành vi nhận, nộp tiền của 40 học viên để “chống trượt” lớp cao học kinh tế (Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội). Việc điều tra hoàn tất dựa trên các yếu tố cấu thành tội phạm sẽ xem xét khởi tố vụ án.
Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa nơi xảy ra vụ tiêu cực. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Trả lời cơ quan báo chí, Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa, ông Đào Phan Thắng cho biết, vụ việc nộp tiền “chống trượt” cao học của 40 học viên đã khiến dư luận bức xúc trong thời gian dài. Ba cán bộ phòng Quản lý đào tạo của trường là Bùi Sỹ Hồng, Lê Trọng Sơn và bà Lê Thị Liên đã tự ý tham gia đấu mối và nhận tiền của các học viên hơn 1 tỷ đồng.
Đến khi kỳ thi kết thúc có kết quả chỉ có 7 học viên trúng tuyển nên những học viên còn lại đề nghị trả lại số tiền nộp chống trượt 27 triệu đồng/học viên, tuy nhiên sự việc kéo dài nên các học viên đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an.
Cũng theo ông Thắng, cơ quan này đã họp và đề nghị kỷ luật đối với ông Bùi Sỹ Hồng, ông Lê Trọng Sơn vì đã thu tiền của học viên chạy đầu vào cao học, làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đội ngũ giáo viên của Trung tâm.
Hình thức kỷ luật hai người này sẽ bị cách chức trưởng, phó phòng và chuyển công tác khác. Riêng bà Lê Thị Liên bị xử lý theo Nghị định 27 của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức là sẽ cảnh cáo và chuyển công tác khác.
Như Pháp luật TP HCM đưa tin, kết luận của Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, năm 2013 TTGDTX tỉnh này mở lớp liên kết đào tạo thạc sĩ ngành quản lý kinh tế với Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội). Nhiều người là cán bộ, công chức đang công tác tại Thanh Hóa đã tham dự thi tuyển.
Sau đó các học viên được học một số chuyên đề chuyển đổi kiến thức để họ có đủ điều kiện đăng ký dự thi cao học. Lúc này ông Bùi Sỹ Hồng (Trưởng phòng Quản lý đào tạo của TTGDTX), ông Lê Trọng Sơn (Phó phòng) và bà Lê Thị Liên (giáo viên) đã thông báo muốn thi đỗ lớp thạc sĩ kinh tế thì phải nộp 27 triệu đồng để “chống trượt” cho các học viên khi tham gia thi tuyển.