Theo phong tục, người dân Việt Nam thường bày biện mâm cúng gia tiên vào sáng mùng 1 Tết với ý nghĩa tưởng nhớ đến những người đã khuất và cầu mong một năm mới nhiều may mắn.
Theo phong tục cổ truyền, người ta gọi bữa cơm cúng sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, tức là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Vậy, mâm cúng cho ngày mùng 1 Tết cần chuẩn bị những gì để vừa đầy đủ lại mang ý nghĩa đem lại may mắn cho gia chủ.
Thông thường, lễ vật dâng cúng thần linh và gia tiên ngày Mùng 1 Tết bao gồm: hương, hoa tươi, nước sạch, mâm ngũ quả, trầu cau, rượu, đèn dầu, nến, bánh kẹo và các món mặn thường có trong dịp Tết: bánh chưng, xôi, gà...
Mâm cúng ngày mùng 1 Tết thường có bốn bát và bốn đĩa. |
Cụ thể, mâm cơm truyền thống đầu năm mới của người Việt thường có bốn bát và bốn đĩa. Bốn bát gồm:
1 bát chân giò lợn nấu măng
1 bát miến
1 bát mọc nấm
1 bát bóng thả
Bốn đĩa gồm:
1 đĩa thịt gà (thịt lợn)
1 đĩa giò (chả)
1 đĩa nem thính (có thể thay bằng đĩa xào)
1 đĩa dưa muối
Ngoài ra còn có một đĩa xôi (bánh chưng) và bát nước chấm, tổng cộng là tròn mười món.
Mâm cỗ lớn thì có 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài.
Mâm cúng ngày Tết thể hiện tâm đức của gia chủ đối với gia tiên. |
Mâm cơm đầu năm của người miền Bắc thường được chuẩn bị rất công phu, kĩ càng. Thịt gà phải là thịt gà trống choai, được chọn lựa cẩn thận: Mào gà, hình dáng gà, đặc biệt là cựa gà. Người Việt Nam quan niệm: Cựa gà có đẹp thì cả năm mới sung túc, ấm no. Gà được thịt để cúng giao thừa, sau đó chia cho con cháu ăn hưởng lộc. Thịt lợn phải chọn được miếng thịt lợn đầy đặn, có đủ nạc, mỡ (thường 1/3 mỡ, 2/3 nạc), dầy mình, vuông vắn. Giò có thể là giò nạc, giò lụa, miếng giò chắc, thơm ngọt. Giò được gói tròn. Trong mâm cơm có bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, khoanh giò tròn tượng trưng cho trời, thể hiện sự hòa hợp, cân bằng giữa trời đất và con người. Âm dương cân bằng, gia chủ mới mạnh khỏe, con cháu ngoan hiền, làm ăn phát đạt. Mâm cơm đầu năm còn có đĩa xôi. Xôi đầu năm mới phải là xôi gấc hoặc xôi đỗ. Màu đỏ của gấc, màu vàng ruộm của đỗ thể hiện niềm tin, hy vọng của gia chủ vào một năm mới làm ăn thành công, gặp nhiều may mắn.
Lưu ý, mâm cúng trên có thể áp dụng trong 3 ngày Tết. Khi cúng, gia chủ phải ăn mặc chỉnh tề, lên đèn, đốt hương, đánh chuông, hai tay chắp lại đưa lên ngang trán và khấn, khi khấn nêu ngày tháng, làng xã, tên mình, tên vợ con, tên người quá cố, lễ vật cúng, lý do cúng, cầu nguyện... rồi tùy theo vị trí lớn nhỏ của mình đối với người quá cố, nếu nhỏ thì lạy 4 lạy hoặc vái 4 vái. Việc cúng kính tùy thuộc vào đức tin và đời sống đạo đức của mình.
Trình tự cúng 3 ngày Tết Sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, nghĩa là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Chiều mùng 1 Tết cúng Tịch điện, tức là cúng cơm chiều. Ngày mùng 2 Tết có 2 lễ cúng, buổi sáng cúng mời tổ tiên gọi là Chiêu điện, buổi chiều cúng Tịch điện. Ngày mùng 3 là ngày cuối của Tết, nên cúng Tạ Ông vải, với ý nghĩa ngày tết đã đầy đủ. |
Nguyễn Phượng (T/h)