Tổ chức nghiên cứu dự báo kinh tế Oxford Economics vừa công bố những thành phố có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo thông tin được báo Thanh niên đăng tải, nghiên cứu này cho thấy các thành phố của Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á trong vòng 5 năm qua.
Một góc New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Thanh niên. |
Dự đoán, thủ đô New Delhi của nước này sẽ có tốc độ phát triển nhanh nhất không chỉ ở phạm vi trong nước, mà còn so với các thành phố châu Á khác. Mức độ tăng trưởng được đánh giá là 50% từ cuối năm 2016 đến năm 2021, đứng đầu là dịch vụ tài chính và kinh doanh.
Ba thành phố khác của Ấn Độ là Chennai, Mumbai và Hyderabad được dự đoán có mức tăng trưởng ước tính xấp xỉ 8% mỗi năm.
"Những giới hạn về quyền sở hữu của các công ty nước ngoài tại Ấn Độ đang dần được giảm bớt hoặc loại bỏ. Trong ngắn hạn, điều này sẽ có lợi cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp của nước này. Trong dài hạn, nó có thể đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho doanh nghiệp và người lao động”, Mark Britton, nhà kinh tế học của Oxford Economics, nói.
Những công ty tiêu dùng lớn của Nhật Bản như Muji đang đặt cược vào sự thay đổi của Ấn Độ, khi nhận thấy quốc gia này dần trở thành thị trường tiêu thụ quốc tế lớn thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Amazon hoạt động tại Ấn Độ cũng đang tìm kiếm sự chấp thuận đầu tư vào chuỗi cung ứng thực phẩm, đồng thời tận dụng những động thái mở rộng của chính phủ giảm bớt các quy tắc đối với nhà bán lẻ nước ngoài.
Trái ngược với sự phát triển thần tốc trước đây, các thành phố Trung Quốc đang tụt lại phía sau với tốc độ phát triển chậm dần dù nhóm năm thành phố lớn nhất vẫn tăng trưởng từ 6% trở lên, báo Tuổi trẻ cho biết.
Nhờ ngành công nghiệp sản xuất và các cảng lớn, Thiên Tân được đánh giá là thành phố phát triển nhanh nhất của Trung Quốc trong thời gian tới. Kế tiếp là thủ đô Bắc Kinh và các thành phố như Quảng Châu, Thượng Hải, Thâm Quyến.
Sự sụt giảm tốc độ phát triển của Trung Quốc đã khiến tốc độ trung bình của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm năm tới xuống còn 4,2% so với 4,5% trong giai đoạn 2012-2016.
TP.HCM của Việt Nam được dự báo là thành phố tăng trưởng nhanh thứ hai của cả khu vực, sau Delhi trong khu vực Đông Nam Á.
(Tổng hợp)