+Aa-
    Zalo

    Các nước Đông Á phản ứng như thế nào về hội nghị Mỹ - Triều Tiên?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi hội nghị thượng đỉnh lịch sử của Mỹ và Triều Tiên kết thúc với một thỏa thuận có phần “mơ hồ”, các nước ở khu vực Đông Á cũng đưa ra những phản ứng khác nhau.

    Sau khi hội nghị thượng đỉnh lịch sử của Mỹ và Triều Tiên kết thúc với một thỏa thuận có phần “mơ hồ”, các nước ở khu vực Đông Á cũng đưa ra những phản ứng khác nhau.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký thông qua một thỏa thuận, trong đó cam kết cùng nỗ lực "xây dựng một chế độ hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên" cũng như "làm việc hướng tới việc phi hạt nhân hóa toàn bán đảo".

    Trong cuộc họp báo sau hội nghị, ông Trump đã vạch ra tầm nhìn về viễn cảnh địa chính trị châu Á, bao gồm việc giảm đáng kể sự hiện diện quân sự của Mỹ, hứa sẽ kết thúc các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và cuối cùng là rút quân Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên.

    Ông Kim Jong-un(trái) và ông Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore. Ảnh: CNN

    Bất kỳ đề xuất nào về việc loại bỏ sức mạnh của Mỹ trong khu vực cũng có thể sẽ gây ra mối lo ngại cho 2 đồng minh thân cận là Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi quân đội Mỹ đóng quân từ những năm 1950. "Tôi muốn đưa binh sĩ của chúng tôi ra khỏi khu vực đó. Tôi muốn đưa binh sĩ của chúng tôi trở về nhà", ông Trump nói. "Nhưng đó không phải là một phần kế hoạch ngay lúc này. Tôi hy vọng đó sẽ là điều cuối cùng".

    Phản ứng của Hàn Quốc

    Trong khu vực Đông Á, Hàn Quốc đã công khai cam kết hỗ trợ cho các cuộc đàm phán Mỹ - Triều và có thể nói, Seoul đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh diễn ra theo đúng kế hoạch.

    Khác với ông Trump và ông Kim, có lẽ không có nhà lãnh đạo nào khác quan tâm đến kết quả của cuộc đàm phán như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Moon nói rằng vào đêm trước khi diễn ra sự kiện, ông đã không thể nào ngủ được.

    "70 năm phân chia và căng thẳng đã tạo ra một bóng đen khiến tôi khó tin vào những gì đang thực sự diễn ra trước mắt", ông Moon nói sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc. "Bỏ lại những ngày đen tối của chiến tranh và xung đột phía sau, chúng tôi sẽ viết một chương mới về hòa bình và hợp tác. Chúng tôi sẽ ở đó cùng với Triều Tiên trên con đường phát triển".

    Trong một cuộc điện đàm với ông Trump vào tối ngày hôm qua (12/6), Tổng thống Moon nói rằng cuộc họp đã "đặt nền móng cho hòa bình, không chỉ cho bán đảo Triều Tiên mà còn cho cả thế giới". Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cùng đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo nội dung của thỏa thuận được thực hiện đầy đủ.

    Có thể nói, ông Moon đã đóng vai trò của người trung gian giữa ông Trump và ông Kim, giúp thiết lập "sự kiện của thế kỷ". Tổng thống Hàn Quốc đã dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên bằng cách sử dụng Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang như một cơ hội để hàn gắn với Bình Nhưỡng. Tiếp sau đó, ông Moon cũng tham dự cuộc họp với ông Kim vào ngày 27/4 - hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên đầu tiên trong hơn một thập kỷ.

    Ông Kim Jong-un(trái) và ông Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4. Ảnh: Getty

    Tuy nhiên, rõ ràng là đề xuất loại bỏ quân đội Mỹ ở Hàn Quốc có thể là một động thái quá xa đối với Seoul, đặc biệt là đối với những chính trị gia bảo thủ. Ông Jonathan Berkshire Miller, nhà phân tích của Viện Quốc tế Nhật Bản cho biết: “Rào cản lớn nhất của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là các bài tập quân sự song phương của Mỹ và Hàn Quốc”.

    Ngoài việc bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản khỏi mối đe dọa hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, sự hiện diện của Mỹ trong khu vực có vai trò như một đối trọng với Trung Quốc. Seoul và Tokyo sẽ phải xem xét lại khả năng phòng thủ của họ, thậm chí có thể tăng cường tiềm lực nếu Washington lựa chọn rút lui.

    Đại tá Chad Carroll, một phát ngôn viên của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), nói với CNN "chúng tôi không nhận được hướng dẫn chính thức nào về việc thực thi hay chấm dứt các cuộc tập trận sắp tới".

    Một chiến thắng cho Trung Quốc?

    Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là sự kiện có "ý nghĩa lớn" và là một bước tiến tích cực. Bên cạnh đó, dù có muốn công nhận hay không thì rõ ràng là cả Washington và Bình Nhưỡng đều đã chấp nhận một đề xuất hồi năm 2017 của Trung Quốc đưa ra – kế hoạch “đóng băng kép”.

    Đề xuất đóng băng kép được cả Bắc Kinh và Moscow ủng hộ, trong đó Mỹ dừng các chương trình tập trận chung với Hàn Quốc để đội lại việc Triều Tiên ngừng thử tên lửa và vũ khí hạt nhân. Cả Triều Tiên và Mỹ đã từ chối kế hoạch này nhưng có vẻ như cuối cùng họ đã thỏa hiệp. Trung Quốc đã được như ý muốn vì cả Mỹ và Triều Tiên đều đã dừng những hoạt động đó.

    Cuối cùng, việc xem xét loại bỏ quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc là điều mà Trung Quốc mong muốn nhất. Bắc Kinh từ lâu đã phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, lo lắng rằng quân đội và thiết bị quân sự sẽ gây ra mối nguy cho an ninh của Trung Quốc.

    Đến nay, Bắc Kinh đã và đang là một đối tác quan trọng trong chiến dịch gây áp lực tối đa của ông Trump nhằm cô lập ngoại giao và trừng phạt kinh tế Triều Tiên. Trong tuyên bố hôm 12/6, ông Trump nói rằng các lệnh cấm sẽ vẫn được giữ nguyên cho đến khi "chúng tôi chắc chắn rằng Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân”, nhưng không rõ liệu Trung Quốc có tiếp tục thực thi lệnh trừng phạt hay không.

    Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói với các phóng viên rằng các biện pháp trừng phạt có thể được điều chỉnh trong thời gian tới.

    Một bước tiến tích cực cho Nhật Bản

    Tổng thống Trump tiết lộ ông đã trao đổi với ông Kim về việc trả tự do cho các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc từ những năm 1970 - 1980, một điều mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cảm ơn Tổng thống Mỹ sau đó.

    Vấn đề bắt cóc là một chủ đề rất nhạy cảm ở Nhật Bản, và đó cũng là điều ông Abe nói phải được giải quyết trước khi Tokyo bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng.

    "Triều Tiên có nguồn lực và nguồn lao động dồi dào, nếu đi đúng hướng, họ có thể hướng đến một tương lai tươi sáng", ông Abe nhận xét sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-nuoc-dong-a-phan-ung-nhu-the-nao-ve-hoi-nghi-my---trieu-tien-a232863.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan