Các diễn giả tại một hội nghị an ninh châu Á đã lên tiếng mong muốn Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.
Theo Defensenews, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Australia đã ủng hộ tuyên bố của người đồng cấp Mỹ James Mattis, và nói rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trong các khu vực được phép theo luật pháp quốc tế.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) đã tổ chức Đối thoại Shangri-La. Sự kiện có các quan chức quốc phòng và các chuyên gia an ninh hàng đầu từ châu Á và khắp thế giới nhằm thảo luận các vấn đề khu vực và cũng là hội nghị an ninh thường niên lớn nhất tại châu Á-Thái Bình Dương, theo Dân Trí.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chụp ảnh với quan chức quốc phòng các nước ASEAN tại Đối thoại Shangri-La ngày 4/6 - Ảnh: Getty. |
Phát biểu hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis tuyên bố, quân đội Mỹ “sẽ tiếp tục bay, đi tàu và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép và chứng tỏ điều này thông qua sự hiện diện hoạt động ở Biển Đông và hơn thế nữa”. Ông Mattis nói thêm rằng “các hoạt động của chúng tôi trên khắp khu vực là một minh chứng cho quyết tâm bảo vệ các lợi ích và tự do được quy định theo luật pháp quốc tế”.
Ủng hộ tuyên bố đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tái khẳng định sự ủng hộ của bà đối với các hoạt động tuần tra tự do hàng hải do Hải quân Mỹ thực hiện ở Biển Đông, nói rằng chúng “đại diện cho quyết tâm của Mỹ nhằm duy trì trật tự hàng hải quốc tế mở, tự do và hòa bình”.
Phát biểu ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho hay Australia “cũng sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ quyền của các nước khác nhằm thực thi các quyền đó”. Bà Payne nói thêm, các tàu và máy bay của quân đội Mỹ sẽ tiếp tục “hoạt động ở Biển Đông, như chúng tôi đã làm trong nhiều thập niên qua, phù hợp với quyền tự do hàng hải và hàng không”.
Theo Chiến dịch tuần tra Biển Đông mang tên "Operation Gateway", Hải quân Hoàng gia Australia đã triển khai một máy bay AP-3C Orion tới Butterworth, Malaysia từ 4-8 lần một năm.
Theo Bộ Quốc phòng Australia, các chuyến bay trên là đóng góp của nước này đối với việc duy trì an ninh khu vực và sự ổn định tại Đông Nam Á, trong đó có các cuộc tuần tra ở phía bắc Ấn Độ Dương và Biển Đông.
Tim Huxley, giám đốc khu vực châu Á, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng dù đối mặt nhiệm vụ khó khăn do chính quyền mới của Mỹ có xu hướng không theo chủ nghĩa quốc tế, ông Mattis đã làm "rất tốt", trả lời một loạt câu hỏi về các chủ đề và phát biểu dài hơn dự kiến.
"Không thoả thuận, không đổi cái này lấy cái kia", đó là một điểm then chốt trong bài phát biểu, ông Huxley trả lời báo VnExpress bên lề Đối thoại Shangri-La, trong bối cảnh một số nước tại khu vực đang lo lắng Mỹ mặc cả với Trung Quốc về Biển Đông để gây sức ép lên Triều Tiên.
"Trung Quốc hợp tác với Mỹ về Triều Tiên vì đó là lợi ích của Trung Quốc khi làm điều đó, không phải vì Mỹ đang cho Trung Quốc sức ảnh hưởng để đổi lấy điều gì", ông Huxley nhận định.
Không chỉ có các Bộ trưởng Quốc phòng trên nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục các cuộc tuần tra hàng hải ở Biển Đông. Tiến sĩ William Choong, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng phát biểu với truyền thông rằng Mỹ “cần thực thi tự do trên các vùng biển”.
Ông Choong lưu ý về sự gián đoạn kéo dài 7 tháng về các cuộc tuần tra hàng hải của Mỹ cho tới khi tàu khu trục USS Dewey áp sát đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa hôm 24/5, cuộc tuần tra đầu tiên như vậy dưới thời chính quyền Trump.
(Tổng hợp)