Các giao dịch vàng trị giá 11.777 tỷ đồng và các giao dịch mua bán cổ phần trị giá 9.700 tỷ đồng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, từ 15/5/2007 đến 3/8/2013, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) thông qua 6 công ty do mình làm chủ tịch đã tổ chức kinh doanh không đúng với nội dung trong đăng ký kinh doanh. Hành vi này đã phạm vào tội “Kinh doanh trái phép” theo Điều 159 của Bộ luật Hình sự.
Mặc dù tội danh này không nặng như các tội danh khác nhưng các diễn biến của nó khá phức tạp với hàng chục giao dịch giá trị lớn đã được thực hiện. Sáu công ty trên đã có hàng chục giao dịch mua cổ phần và kinh doanh vàng với số tiền lên đến hơn 21.490 tỷ đồng, tức hơn 1 tỷ USD.
Các công ty này chia làm 2 nhóm, nhóm thứ nhất gồm công ty Thiên Nam, kinh doanh vàng. Năm công ty còn lại, gồm AFG, B&B, ACI, ACI-HN và ACBI liên quan đến kinh doanh tài chính.
Mua bán 462.500 oz vàng và 75.000 lượng vàng SJC
Theo cáo trạng, bầu Kiên đã chỉ đạo công ty Thiên Nam ký hợp đồng với ngân hàng ACB để kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản ở nước ngoài và trong nước.
Tháng 11/2009, công ty Thiên Nam đã ký thỏa thuận với VietBank về việc công ty Thiên Nam nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa VietBank và ACB.
Từ 1/12/2009 đến 30/7/2010, công ty Thiên Nam đã thực hiện mua 231.250 oz và bán 231.250 oz vàng với tổng giá trị giao dịch là 513 triệu USD, tương đương gần 9.800 tỷ đồng. Chênh lệch giá mua bán đã khiến Thiên Nam lỗ 414 tỷ đồng từ các giao dịch này.
Ngân hàng ACB phải ứng tiền để thanh toán cho đối tác nước ngoài khoản lỗ kinh doanh này và ghi nợ phải thu của công ty Thiên Nam đến năm 2015.
Thiên Nam còn kinh doanh trạng thái vàng trong nước và lỗ 19 tỷ đồng.
Tổng cộng, công ty Thiên Nam đã mua bán 462.500 oz vàng và 75.000 lượng SJC với tổng giá trị giao dịch là 11.777 tỷ đồng.
Mua một lượng lớn cổ phần của các ngân hàng
Năm công ty: B&B, AFG, ACBI, ACI và ACI-HN chỉ kinh doanh vàng theo giấy phép, còn lại không kinh doanh các ngành nghề khác mà thực hiện kinh doanh tài chính.
Các công ty này đã thực hiện tổng cộng gần 40 giao dịch mua cổ phần và trái phiếu với tổng giá trị lên đến 9.713 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch lớn nhất là công ty AFG chi 3.200 tỷ đồng để mua trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng ACB vào tháng 3/2007.
Nhiều giao dịch khác có trị giá hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phần Techcombank, ACB, Đại Á, Kiên Long, Eximbank, Sabeco, Thép Hòa Phát… cũng như các doanh nghiệp này đầu tư lẫn nhau. Căn cứ vào các giao dịch có thể thấy AFG góp vốn để trở thành công ty mẹ nắm giữ 54\% vốn của ACI, 99\% vốn của ACI-HN và 70\% vốn của ACBI.
Nhằm có thêm nguồn vốn để thực hiện các giao dịch, 5 công ty trên đã huy động được 3.700 tỷ đồng trái phiếu. Bên mua chủ yếu là ngân hàng ACB.
Công ty ACBI đã dùng 22.497.000 cổ phần của Thép Hòa Phát để thế chấp cho khoản trái phiếu 800 tỷ đồng phát hành cho ACB.
Tháng 5/2012, số cổ phiếu trên chưa được ACB giải tỏa nhưng bầu Kiên vẫn tiến hành chỉ đạo ACBI chuyển nhượng 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát. Đến khi bầu Kiên bị bắt, phía Hòa Phát đã chuyển đủ cho ACBI 264 tỷ đồng là giá trị chuyển nhượng của số cổ phần trên nhưng công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát chưa nhận được 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát như đã ký.
Đây là cơ sở để truy tố bầu Kiên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù sau đó phía Hòa Phát đã nhận lại đủ 264 tỷ, và trước tòa Hòa Phát thừa nhận sai sót.