+Aa-
    Zalo

    Ca mắc sởi liên tục tăng, nhiều người lớn ở TP.HCM nhập viện

    (ĐS&PL) - Tình hình bệnh sởi tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp với số ca mắc ở người lớn gia tăng đáng kể.

    Tạp chí Tri Thức dẫn lời bác sĩ chuyên khoa II Võ Trương Quý, Phó khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh nhân người lớn mắc sởi đang tăng. Bệnh nhân là người lớn nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, suy hô hấp cần hỗ trợ oxy.

    "Riêng trong ngày 26/11, có khoảng 7 bệnh nhân đang phải thở oxy, chủ yếu ở độ tuổi lao động", bác sĩ Quý nói.

    Điển hình là thai phụ 36 tuổi, ngụ Đồng Nai, trước khi nhập viện 1 tuần có biểu hiện sốt. Người bệnh đến phòng khám tư gần nhà thăm khám và điều trị. Tuy nhiên, 3 ngày sau người bệnh xuất hiện những nốt ban đỏ khắp người, mệt mỏi.

    Bệnh nhân mắc sởi nặng. Ảnh: Công An Nhân Dân

    Bệnh nhân mắc sởi nặng. Ảnh: Công An Nhân Dân

    Khi thai phụ tái khám ở phòng khám tư, được chẩn đoán mắc sởi và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Tại đây, chị được các bác sĩ theo dõi sát, nhưng có nguy cơ sinh con sớm hơn dự kiến.

    Bác sĩ Quý cho biết bệnh nhân mắc sởi thường nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho và khó thở. Tiếp đó, bệnh nhân sẽ bắt đầu ho nhiều, nổi ban toàn thân và viêm kết mạc mắt. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh không điển hình, đặc biệt là ở những bệnh nhân đã tiêm ngừa trước đó nhưng tiêm không đủ liều hoặc không có đủ kháng thể bảo vệ.

    Theo bác sĩ Quý, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, suy hô hấp nếu không được điều trị đúng cách. Những bệnh nhân có bệnh nền như ung thư, tim bẩm sinh, đái tháo đường, bệnh gan mạn, bệnh thận mạn hoặc suy tim có nguy cơ bị biến chứng nặng hơn nếu không điều trị kịp thời ngay từ đầu.

    Số mắc sởi tăng cao trong cả nước, gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong

    Thông tin được TS.BS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, ngày 28/11.

    Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 ca nghi sởi, trong đó gần 5.000 ca dương tính, 5 người tử vong liên quan đến sởi (TP.HCM 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca tử vong). So với cùng kỳ năm 2023 số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần.

    Nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Ảnh minh họa

    Nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Ảnh minh họa

    Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TP.HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.

    Từ 1/9/2024 đến 19/11/2024, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) ghi nhận 195 ca sởi dương tính. Trong đó, tháng 9 có 41 ca, tháng 10 có 90 ca, đặc biệt trong 11 ngày tháng 11/2024 ghi nhận 64 ca. Trong đó, tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.

    Sau đại dịch COVID-19, số mắc sởi tăng cao trên toàn thế giới với 10,3 triệu ca mắc, tăng 20% so với năm 2022, trong đó hơn 107.000 trường hợp tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực toàn cầu.

    Nguyên nhân chính là tỷ lệ tiêm vaccine thấp (chỉ đạt hoặc thấp hơn 80%, so với yêu cầu cần đạt 95%). Tác động của đại dịch COVID-19 trong những năm trước đó ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia không đạt được mức độ bao phủ cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.

    Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các địa phương được khuyến cáo khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là các vùng có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, theo VTC News.

    Người dân không nên tự ý mua thuốc chữa cúm, thuốc hạ sốt để điều trị, đặc biệt là thuốc có chứa corticoid. Những loại thuốc này có thể làm giảm triệu chứng tạm thời nhưng khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

    Việc tự điều trị không đúng cách có thể làm cho sởi phát triển nhanh và gây suy giảm miễn dịch, từ đó cơ thể khó chống lại các tác nhân gây bệnh khác.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ca-mac-soi-lien-tuc-tang-nhieu-nguoi-lon-o-tp-hcm-nhap-vien-a485415.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan