+Aa-
    Zalo

    Số ca mắc sởi tăng cao: Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương mua vaccine

    (ĐS&PL) - Bộ Y tế yêu cầu hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình các bệnh truyền nhiễm đang phát triển mạnh.

    Số ca mắc sởi tăng cao

    Ngày 28/11, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

    Theo đại diện Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, sau đại dịch COVID-19, số mắc sởi tăng cao trên toàn thế giới với 10,3 triệu ca mắc, tăng 20% so với năm 2022, trong đó có hơn 107.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.

    Tương tự tại Việt Nam số mắc sởi cũng tăng cao. Theo TS Nguyễn Lương Tâm, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi (TPHCM 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca tử vong). So với cùng kỳ năm 2023 số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần.

    Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TPHCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.

    Tình hình dịch bệnh sởi phức tạp. Ảnh minh họa

    Tình hình dịch bệnh sởi phức tạp. Ảnh minh họa

    Từ ngày 1/9/2024 đến ngày 19/11/2024, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) ghi nhận 195 ca sởi dương tính. Trong đó, tháng 9 có 41 ca, tháng 10 có 90 ca, đặc biệt trong 11 ngày tháng 11/2024 có đến 64 ca. Trong đó, tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.

    Đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết sẽ xem xét vấn đề tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng như các đối tượng khác để có đề xuất phù hợp.

    Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại 31 tỉnh, thành, cho trẻ em 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch chưa đảm bảo tiến độ.

    Ngoài ra, số mắc ho gà cũng cao hơn 23 lần, với hơn 1.000 ca mắc, 1 ca tử vong.

    Một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, bạch hầu… đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, số mắc cúm mùa cũng có xu hướng giảm tuy nhiên số tử vong tăng 7 trường hợp (Bình Định 4 ca, Hà Nội 2, Khánh Hòa và Phú Yên mỗi địa phương một ca tử vong).

    Đặc biệt, trong năm nước ta ghi nhận một ca mắc bệnh bại liệt ở Đắk Lắk. Từ đầu năm đến nay, chúng ta cũng ghi nhận rải rác các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại các địa phương, với 73 ca mắc, chủ yếu tập trung tại TPHCM và các tỉnh miền Nam.

    Với bệnh than, trong năm chúng ta cũng ghi nhận 12 ca mắc tại Điện Biên 11 ca và 1 ca ở Sơn La, số mắc giảm 4 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.

    Toàn cảnh hội nghị trực tiếp và trực tuyến

    Toàn cảnh hội nghị trực tiếp và trực tuyến

    Tỷ lệ tiêm chủng thấp

    Đại điện Cục Y tế dự phòng nhận định, trong năm 2024, Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, dịch bệnh trong nước diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, bùng phát, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, xuất hiện. Đại dịch COVDI-19 ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ em.

    Tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số sinh sống. Dịch bệnh cúm A(H5N1) là vấn đề cần quan tâm, liên quan đến dịch cúm trên gia cầm, đặc biệt tại Mỹ liên quan đến dịch trên gia súc (bò, lợn). Tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Vì thế, hệ thống y tế dự phòng cần đặc biệt quan tâm vấn đề này khi có gia cầm ốm chết, đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện, nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch nếu có xảy ra trên người.

    Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động công tác giám sát trường hợp bệnh, giám sát tác nhân gây bệnh và xử lý triệt để ổ dịch với các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...), các bệnh dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu), bệnh viêm phổi nặng do virus và các bệnh lây qua đường hô hấp (cúm mùa, cúm gia cầm độc lực cao...).

    Đồng thời giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.

    Khẩn trương mua vaccine

    Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng về cơ bản các dịch bệnh truyền nhiễm đang được kiểm soát. Tuy nhiên thực tế trên thế giới và Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Hiện tại, một số dịch bệnh vẫn có nguy cơ và tỷ lệ mắc tăng cao như sởi, ho gà, bạch hầu, bại liệt có một ca cũng là cảnh báo trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.

    Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

    Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

    Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, Cục Y tế dự phòng hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương chỉnh sửa thông tư số 10 hướng dẫn về công tác tiêm chủng được Bộ Y tế ban hành ngày 13/6/2024, bổ sung 2 vaccine HPV triển khai từ năm 2026 và PVC bắt đầu bổ sung từ năm 2025.

    Dự trù kinh phí mua vaccine từ ngân sách nhà nước, không để hiện tượng chậm muộn trong việc cung cấp vaccine khi triển khai tiêm chủng.

    Cục Y tế dự phòng khẩn trương hoàn thiện trình ban hành kế hoạch phòng, chống dịch năm 2025 trước 20/12/2024, đi kèm các hướng dẫn, định hướng chuyên môn trong năm 2025 cho các địa phương. Từ năm 2025, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh phải hoàn thiện trong tháng 11 hàng năm và đến tháng 12 các địa phương dựa vào đó sẽ ban hành kế hoạch phòng, chống dịch cuả địa phương.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/so-ca-mac-soi-tang-cao-bo-y-te-yeu-cau-khan-truong-mua-vaccine-a485219.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan