(ĐSPL) - 636 phạm nhân được đặc xá, đây là con số chính thống do các trại giam đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cung cấp. Họ chờ đợi phút giây trở về, làm lại cuộc đời...
Bao năm qua, ngòi bút gắn với những mảnh đời hoàn lương, trước và sau khi họ bước chân ra khỏi cánh cổng trại giam, đã tạo cho tôi một thứ cảm xúc rất khó nói vào mỗi độ đặc xá dịp Quốc khánh 2/9. Bởi đây chính là dấu mốc đầu tiên của biết bao người lầm lỡ trên con đường hoàn lương. Trở về với xã hội, có người sẽ “ngựa quen đường cũ”, nhưng cũng đã có không biết bao tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu chân chính, góp sức mình dựng xây quê hương. Mở ra một tương lai “sạch”, tươi sáng hơn.
Hòa chung vào không khí hồi hộp, đợi chờ ngày đặc xá cùng các phạm nhân, gia đình của họ và các cán bộ quản giáo, người viết chợt hồi nhớ về những “cựu” nhân vật của mình.
Trong cánh cổng trại giam
Sống yên phận với một công việc ổn định, người vợ đẹp và hai đứa con ngoan, Dương Lê Thắng (SN 1960), quê quán xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương (Nghệ An), tưởng chừng là một người đàn ông hạnh phúc. Nhưng cuộc đời gã bước sang một trang khác, khi hạnh phúc nửa đường đứt gánh. Vợ bỏ, một mình ôm con ra Hà Nội sinh sống, gã lập công ty riêng và lao đầu vào công việc. Bước chân gã “dậm sình” khi quyết định lấn sân sang lĩnh vực xuất khẩu lao động. Từ đây, gã bước thẳng vào nhà giam.
Khoác lên mình bộ quần áo sọc dọc, phạm nhân Thắng giờ đã sâu lắng hơn. Thắng hiện đang là phạm nhân cải tạo tại đội 16, phân trại số 2 thuộc trại giam số 6 (Bộ Công an). Hằng ngày, gã cần mẫn với công việc làm mây tre đan xuất khẩu. Tuy thời gian thụ án chưa lâu, nhưng nhờ cải tạo tốt, Thắng được ban giám thị tin tưởng giao trọng trách đội trưởng đội phạm nhân.
Dẫu đang khoác lên mình bộ quần áo sọc dọc, nhưng ở phạm nhân Đinh Thị Hiền, quê Gia Viễn (Ninh Bình), vẫn toát lên vẻ đài các hiếm có. Từng là nạn nhân liên đới của ma túy, khi có hai người chồng ngẩn ngơ với “ả phù dung”, bỏ mặc chị với 3 đứa con thơ để vào tù ngồi “bóc lịch”. Nhưng rồi chính chị cũng phải lấy một phần thời gian còn lại của đời mình trả giá vì nó. 23 năm tù là mức án chị phải đeo mang cho những lầm lỗi của mình.
Hiện, Hiền đang thụ án tại phân trại K3 Trại giam số 6 với hai tội danh “Không tố giác tội phạm” và “Buôn bán trái phép chất ma túy”. Đường về còn xa ngái, nhưng chính những hậu thuận từ gia đình đã giúp Hiền vững tâm hơn trên con đường hoàn lương của mình.
Phạm nhân Đinh Thị Hiền |
Sau đổ vỡ của hôn nhân, phạm nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1974), trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) sống trong chán nản, buông thả. Thị tìm đến ma túy như một “liều thuốc” để xoa dịu vết thương lòng. Rồi từ sử dụng, thị trở thành một nữ quái có tiếng trong lĩnh vực buôn bán thứ hàng trắng chết người này. Tuy nhiên, ma túy không những không làm vơi đi nỗi đau tinh thần ấy mà còn tiếp tục lấy đi của thị rất nhiều thứ. Con gái nhận bản án 15 năm tù giam, mẹ thị vì quá xấu hổ, đau đớn đã tìm đến cái chết. Còn người cha già bệnh tât trở nặng hơn. Thương nhất vẫn là đứa con trai bé nhỏ của thị thiếu đi bàn tay chăm bẵm của mẹ.
Tính đến thời điểm này, nữ phạm nhân đã có 7 năm gắn bó với đất trại. Đồng thời, hơn 2.500 ngày ấy, Nhàn đã cố gắng nỗ lực hết mình trên con đường lao động cải tạo khó nhọc.
Bước ra khỏi cánh cổng trại
Xuất thân từ một gia đình nghèo khó nên Phạm Công Khai (SN 1971), trú tại huyện Yên Thành (Nghệ An) rất có chí làm giàu. Tuy nhiên, chỉ vì quá ham muốn được làm giàu nhanh chóng, anh đã bước chân vào con đường buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Cái giá phải trả cho việc “đốt cháy” giai đoạn này là bản án 6 năm tù.
Với quyết tâm cải tạo thật tốt, Khai đã tham gia tích cực và hoàn thành tốt các công việc được giao. Trong suốt thời gian thụ án, anh đều được tin tưởng giao làm đội trưởng các đội phạm nhân. Nhờ cải tạo xuất sắc, anh được ra tù trước thời hạn theo chính sách khoan hồng của pháp luật. Ngày 2/9/2004, anh Phạm Công Khai được đặc xá, ra tù trước thời hạn.
Trở về tái hòa nhập cồng đồng, ngoài tình yêu của người vợ hiền thảo, anh không có nổi một đồng vốn. Tuy nhiên, với quyết tâm làm giàu chân chính, Phạm Công Khai đã kiên trì vượt qua mọi khó khăn để vươn lên. Thành quả của quá trình gian nan ấy là một trang trại rộng lớn, thu nhập hàng năm đem lại hàng tỷ đồng.
Hay câu chuyện của ông Trần Văn Thành (SN 1950), hiện sống tại tổ 1, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Nhờ cải tạo tốt, ông đã trở thành một trong những phạm nhân được đặc xá đợt đầu tiên của nước ta (năm 1995). Trở về với cuộc sống cộng đồng, dẫu cơ cực trăm bề, con người từng lầm lỡ ấy đã kiên định lòng mình, hoàn lương.
Nhờ những nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của mình, ông đã dần khôi phục lại được “nhựa sống” cho gia đình. Các con ông giờ đã lập gia đình và đều có công việc ổn định. Ngôi nhà lụp xụp cũ đã được ông xây mới lại, cao ráo, khang trang.
Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tại Hội nghị tổng kết Nghi định 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn Hà Tĩnh, ông đã được Bộ Công an tặng Bằng khen.
Sức mạnh tình yêu có thể giúp con người làm được nhiều điều không tưởng. Người cựu chiến sĩ biên phòng Hoàng Văn Lục (SN 1966), trú tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An) từng mang giấc mơ đổi đời nhờ ma túy đã may mắn có được thứ sức mạnh ấy, để vững bước trên con đường hoàn lương của mình. Sự thủy chung của người vợ hiền thảo đi cùng anh hơn 10 năm trong song sắt, đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời người đàn ông này sau khi bước chân ra khỏi trại giam.
Không chỉ lo tập trung làm kinh tế, Hoàng Văn Lục luôn xây dựng cho mình và gia đình một lối sống đạo đức, không phạm bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào. Tấm gương đầy nghị lực của anh đã được Công an tỉnh Nghệ An tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Nhân vật tiếp theo của tôi là “hiệp sĩ đường phố” Phạm Hoài Bảo, một người hoàn lương đặc biệt. Công việc hiện tại của anh là chủ quán cà phê “cóc” ven QL1A kiêm luôn chân phục vụ bàn. Lúc rảnh rỗi, anh Bảo còn làm thêm nghề hớt tóc. Cuộc mưu sinh bận rộn nhưng giản dị ấy đã góp phần giúp anh tìm lại chính mình sau những lầm lỗi, xốc nổi và làm nhiều việc ý nghĩa hơn cho cuộc sống. Khi hỏi về thành tích truy bắt tên lừa đảo, anh Bảo khiêm tốn từ chối vì nghĩ việc mình làm rất đỗi bình thường. Còn với người dân và cả cán bộ công an, tinh thần trách nhiệm và sự can đảm của anh Bảo rất đáng khâm phục, hoan nghênh.
Anh Nguyễn Viết Toán. Ảnh nhân vật cũng cấp |
Từ chàng thanh niên chân đất đến đại ca “Quạ đen” là hành trình lầm lỗi của chàng trai Nguyễn Viết Toán (35 tuổi) ở thôn Lam Thủy, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).
Những tháng ngày chiêm ngẫm cuộc đời trong nhà lao, gã đã nghiệm ra những giá trị của một cuộc sống lương thiện. Sau khi mãn hạn tù trở về, gã quay lại với nghề thợ xây và nhanh chóng trở thành ông chủ thầu xây dựng ở Phú Riềng.
Từ hai bàn tay trắng, Toán đã trở thành ông chủ của một cơ sở đúc chậu cảnh lớn ăn nên làm ra ở Quảng Trị. Toán bảo, nghề làm chậu cảnh đã giúp gã khẳng định mình trên thương trường và tạo điều kiện để gã giúp đỡ những người nghèo khó, những người cùng cảnh ngộ. Đây thực sự là cái kết vẹn toàn của một đại ca từng “chọc nước khuấy trời”.
636 phạm nhân được đặc xá, đây là con số chính thống do các trại giam đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cung cấp. Theo đó, Trại tạm giam Nghi Kim (Công an tỉnh Nghệ An) có 33 phạm nhân; Trại giam số 3 (Bộ CA) 208 phạm nhân và Trại giam số 6 (Bộ CA) 395. Đón nhân số liệu trên, bản thân người viết cảm thấy vui mừng trong lòng. Trong số đó, rồi đây sẽ có những người trở thành nhân vật của tôi. |