+Aa-
    Zalo

    Bùng nổ chiến binh trẻ em ở châu Phi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều trẻ em ở Cộng hòa Trung Phi đang bị bắt làm chiến binh từ khi còn quá nhỏ, gây lên mối lo ngại về vấn đề nhân quyền.

    Nhiều trẻ em ở Cộng hòa Trung Phi đang bị bắt làm chiến binh từ khi còn quá nhỏ, gây lên mối lo ngại về vấn đề nhân quyền.

    Cậu bé 11 tuổi trở thành trung úy

    Khoảng 5 năm trước, khi Hassan 11 tuổi, cha của em đã bị lực lượng dân quân sát hại ở Kaga Bandoro - một thị trấn buôn bán gia súc nhỏ thuộc Cộng hòa Trung Phi. Buồn bã và giận dữ, cậu bé, một thành viên của dân tộc thiểu số Hồi giáo không được đất nước bao bọc đã mất đi niềm tin vào công lý. Điều duy nhất Hassan tin tưởng là tự bản thân mình tìm lại công bằng cho cha, cậu bé cho biết.

    Không lâu sau cái chết của người cha, Hassan tham gia liên minh Séléka của phiến quân. Nhóm Hồi giáo này chiếm giữ những khu vực rộng lớn của đất nước từ năm 2013, thường xuyên xung đột với lực lượng dân quân của đất nước gọi là anti-balaka.

    Đầu tiên, Hassan làm vệ sĩ cho một chỉ huy của nhóm vũ trang có căn cứ tại các thị trấn trên khắp đất nước giữa khu vực Chad và Cộng hòa Dân chủ Congo. Ba tháng sau, Hassan nói, cậu bé được thăng chức trung úy và phụ trách khoảng 50 người, trong đó có 10 đứa trẻ khác. "Lúc đầu, cháu rất sợ hãi", cậu bé kể lại. “Tuy nhiên, thời gian trôi qua, cháu đã mất dần nỗi sợ này. Cháu đã quen với việc cầm súng”.

    Cậu bé Hassan gia nhập phiến quân khi mới 11 tuổi. Ảnh: Newsweek

    Nhóm phiến quân cũng giao nhiệm vụ tuyển dụng chiến binh trẻ em cho cậu bé 11 tuổi, cung cấp cho em những phần thưởng ít ỏi. “Cháu thích công việc của mình”, cậu bé khẳng định. "Vào những ngày lễ đặc biệt, cháu sẽ được tặng thuốc lá và tiền bạc".

    Trên thực tế, khi xung đột bùng nổ, nguồn cung cấp bị thu hẹp và số người chết gia tăng ở cả 2 phe. Hầu hết các đêm, Hassan và trung đội của cậu bé ngủ trong bụi cây. Trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ, cậu bé sẵn sàng bắn vào dân thường nếu họ không nghe lệnh và dừng lại. “Cháu thấy rất nhiều máu”, Hassan nói. “Cháu sẽ thấy vui vẻ sau khi tấn công một thị trấn nhưng cảm giác này biến mất gần như ngay lập tức và cháu thấy sợ hãi khi nhận ra rằng kẻ thù sẽ sớm trở lại”.

    Sự bùng nổ chiến binh trẻ em

    Sau một thời gian ngừng xung đột vào năm 2016, cuộc nội chiến ở Cộng hòa Trung Phi bắt đầu hoành hành trở lại một lần nữa vào cuối năm đó. Phiến quân đã bị phân tán thành các phe đối lập chiến đấu giành các nguồn tài nguyên khoáng sản và tuyến thương mại trên khắp đất nước. Phía dân quân cũng đang củng cố sức mạnh của họ bằng việc tuyển dụng nhiều trẻ em hơn, bất chấp việc lực lượng đặc nhiệm do Liên Hợp Quốc (LHQ) lãnh đạo đấu tranh để giúp hàng ngàn cựu binh lính trẻ em tái hòa nhập vào xã hội.

    Vào tháng 3/2018, ông Ursula Mueller, Phó Giám đốc phụ trách các hoạt động nhân đạo của LHQ nói rằng “việc tuyển dụng và sử dụng trẻ em của các nhóm vũ trang tăng 50% trong giai đoạn 2016-2017” khi xung đột tiếp tục leo thang.

    Ở độ tuổi đáng ra phải được học hành, nhiều trẻ em châu Phi đang phải cầm súng chiến đấu. Ảnh: Newsweek

    Hàng ngàn trẻ em trai và trẻ em gái hiện đang được sử dụng làm chiến binh, đầu bếp, sứ giả và người khuân vác. Chúng thường bị hành hạ bởi các chiến binh lớn tuổi hơn, được lệnh phải phạm tội ác và được sử dụng làm lá chắn cho người khác. Hầu hết chúng đều phải trải qua những chấn thương sâu sắc. “Trẻ em đang phải trả giá nhiều nhất cho sự bùng nổ bạo lực này”, ông Marie-Pierre Poirier, giám đốc khu vực của UNICEF nói.

    “Từ năm 2004, các quốc gia phương Tây và các tổ chức quốc tế như Ủy ban châu Âu, LHQ và Ngân hàng Thế giới đã tài trợ một số chương trình giải trừ vũ khí tại Cộng hòa Trung Phi nhằm dập tắt một loạt các cuộc nổi dậy, khuyến khích các nhóm vũ trang giải tán và giúp các chiến binh trở lại xã hội. Các chương trình này thường cung cấp ưu đãi – chẳng hạn như hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề và công việc được trả tiền cho các chiến binh, kể cả lính trẻ em nếu họ từ bỏ vũ khí.

    Tuy nhiên, trong số khoảng 12.500 trẻ em được thả ra từ các nhóm vũ trang kể từ năm 2014, số liệu của LHQ cho thấy hơn 1/3 trong số đó - khoảng 4.500 trẻ vẫn đang chờ đợi sự trợ giúp. Lý do chính bao gồm thiếu tiền bạc và không có khả năng cho nhân viên cứu trợ hoạt động ở một số khu vực được kiểm soát bởi các nhóm vũ trang. “Nếu chúng ta không thực hiện đúng lời hứa ban đầu, những đứa trẻ sẽ quay trở lại con đường cũ”, một nhân viên cấp cao của LHQ nói với điều kiện giấu tên.

    Các nhà hòa giải cũng cố gắng thuyết phục các chỉ huy thả lính trẻ em sẽ có lợi cho các lực lượng dân quân của họ, giải phóng các nguồn lực quan trọng như thực phẩm và nước cho các chiến binh khác. “Sau đó, cả hai bên ký một thỏa thuận. Chúng tôi sẽ chăm sóc những trẻ em đó và các nhóm phiến quân không tuyển dụng chúng nữa”, nguồn tin cho biết thêm.

    Đối với Hassan, tương lai của cậu bé là không chắc chắn. Em là một trong 74 binh sĩ trẻ em được thả từ các nhóm vũ trang vào tháng 9/2017. Năm tháng sau, vào một buổi chiều đầy bụi bặm, hàng chục người tụ tập ở ngoại ô Kaga Bandoro để nói chuyện với một nhân viên của UNICEF về việc đối phó với những chấn thương từng trải qua trong chiến tranh. Các em tháo giày ra và ngồi chéo chân trong bóng râm của một cây xoài.

    Hassan ở gần phía trước, mặc một bộ đồ thể thao màu đen. Cậu bé hiện sống nhờ các vật phẩm do UNICEF cung cấp, chủ yếu là sắn và cá mòi đóng hộp. Hassan cũng sống xa các thành viên còn lại của gia đình mình, một số người sống trong các trại tị nạn. Tuy nhiên, cậu bé quyết tâm vượt ra cuộc xung đột. Hassan hy vọng sẽ học được những kỹ năng mới để trở thành thợ may hoặc thợ máy.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Al Jazeera)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bung-no-chien-binh-tre-em-o-chau-phi-a233817.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan