+Aa-
    Zalo

    Bốc thăm môn thi vào lớp 10: Học sinh lo lắng, phụ huynh như "ngồi trên đống lửa"

    (ĐS&PL) - Đề xuất bốc thăm môn thứ 3 vào lớp 10 của Bộ GD&ĐT nhận được nhiều ý kiến của học sinh cũng như phụ huynh, trong đó có cả đồng tình và không đồng tình.

    Mới đây, Bộ GD&ĐT xin ý kiến các địa phương về dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT.

    Theo đề xuất của Bộ, kỳ thi vào lớp 10 tại các tỉnh thành sẽ thi 3 môn gồm toán, ngữ văn và một môn do Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới.

    Môn thi được bốc thăm công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

    Đề xuất này nhận nhiều ý kiến cả đồng tình và không đồng tình.

    Học sinh lo lắng, áp lực tâm lý

    Trình bày quan điểm trên báo Pháp luật TP.HCM, Thạch Huỳnh Bảo Vy, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12, TP.HCM cho rằng việc bốc thăm môn thứ 3 thi lớp 10 cũng là một ý kiến cần lưu ý. Nó giúp học sinh học đều tất cả các môn và tránh tình trạng học lệch.

    Tuy nhiên, Bảo Vy băn khoăn về thời gian công bố môn thi vào tháng 3 quá trễ, đó là thách thức không nhỏ đối với các em.

    "Nếu có thể em mong Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả môn thi sớm hơn, cụ thể, vào đầu học kỳ 2 để em có thể phân bố thời gian ôn tập một cách phù hợp, tránh bị nhồi nhét kiến thức", Vy nói.

    Đề xuất bốc thăm môn thứ 3 vào lớp 10 của Bộ GD&ĐT nhận được nhiều ý kiến của học sinh. Ảnh minh họa

    Đề xuất bốc thăm môn thứ 3 vào lớp 10 của Bộ GD&ĐT nhận được nhiều ý kiến của học sinh. Ảnh minh họa 

    Trong khi đó, Phương Nhi, một học sinh lớp 9 tại trường học ở Gò Vấp thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng ý với việc bốc thăm môn thi lớp 10.

    "Em vẫn mong kỳ thi lớp 10 giữ ổn định 3 môn thi mà Sở GD&ĐT vừa công bố bởi đây là 3 môn nền tảng. Việc biết trước môn thi giúp em có kế hoạch ôn tập phù hợp để đạt kết quả cao", em Nhi nói.

    Cũng là một người trong cuộc, Phạm Nguyễn Bảo Hân, học sinh lớp 9 Trường THCS Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) cho biết phương án thi lớp 10 đang được lấy ý kiến vừa có ưu và nhược điểm.

    Theo Bảo Hân, một mặt, việc bốc thăm tạo sự công bằng cho kỳ thi, khuyến khích HS phải học toàn diện.

    "Việc không biết môn thứ 3 giúp các bạn học đều các môn học trong chương trình, giúp phát triển kiến thức toàn diện. Tuy nhiên, việc bốc thăm tạo sự lo lắng, khiến chúng em bị áp lực tâm lý, phải ôn thi quá tải trong thời gian dài..." - em Hân nói.

    Ngoài ra, Bảo Hân mạnh dạn đề xuất giữ nguyên việc thi lớp 10 là 3 môn như TP.HCM đang thực hiện. Bởi việc này sẽ giảm áp lực học dàn trải, tối ưu hoá thời gian học tập.

    Nếu có thể kết hợp một vài kiến thức của các môn học khác (lịch sử, khoa học,...) vào trong đề thi như các năm trước đã từng làm thay vì chọn các môn ngẫu nhiên.

    Phụ huynh "cảm giác như ngồi trên đống lửa"

    Có con đang học lớp 9 tại Hà Nội, chị Hoàng Thảo Phương (38 tuổi, quận Thanh Xuân) chia sẻ trên VTC News, "cảm giác như ngồi trên đống lửa" khi xem thông tin về việc Bộ GD&ĐT dự kiến bốc thăm môn thi thứ 3 vào 10.

    "Lướt mạng, tôi thấy các hội nhóm chia sẻ nhiều nhưng sợ là tin đồn nên gọi ngay cho hội trưởng phụ huynh lớp con tôi để hỏi, thêm vào đó là đọc hết các thông tin trên các tờ báo uy tín. Dù biết là dự kiến nhưng tôi rất lo vì nếu môn bốc thăm rơi vào đúng môn không phải thế mạnh của con thì cơ hội vào cấp 3 sẽ hẹp lại", chị Phương nói để chuẩn bị cho cuộc thi vào 10, con chị đã miệt mài học thêm 3 môn Toán, Văn, Anh suốt 4 năm nay. Số tiền chị Phương chi cho con ôn thi cũng không phải nhỏ.

    Nhiều phụ huynh như "ngồi trên đống lửa" sau khi nghe thông tin Bộ GD&ĐT xin ý kiến về việc bốc thăm môn thi thứ 3 trong kỳ thi vào lớp 10. Ảnh minh họa

    Nhiều phụ huynh như "ngồi trên đống lửa" sau khi nghe thông tin Bộ GD&ĐT xin ý kiến về việc bốc thăm môn thi thứ 3 trong kỳ thi vào lớp 10. Ảnh minh họa 

    Tương tự, chị Phan Hải Hà (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng có con đang học lớp 9 cho biết phương án của Bộ đang trở thành chủ đề nóng, được bàn tán xôn xao trong các hội nhóm.

    "Tôi không đồng tình với phương án này. TP.HCM từ trước đến nay luôn đề ra mục tiêu ổn định thi cử để học sinh yên tâm học tập, ôn luyện, Toán, Văn và Ngoại ngữ cũng là 3 môn chủ lực, trọng tâm mà nay lại "vẽ" ra trò bốc thăm môn khác", chị Hà thắc mắc tại sao nói giảm tải nhưng lại tạo áp lực cho học sinh theo cách bất ngờ như thế này.

    Chung tâm trạng sốt ruột như chị Phương và chị Hà, anh Lương Anh Thế (42 tuổi, Kiến Xương, Thái Bình) không đồng tình với phương án của Bộ GD&ĐT.

    Con gái anh Thế có năng khiếu với các môn xã hội, nếu may mắn tỉnh Thái Bình bốc vào các môn như GDCD, Lịch sử, Địa lý thì con hoàn toàn tự tin. Nhưng không may môn thứ ba là Công nghệ, Tin học hay Khoa học tự nhiên, con anh Thế sẽ khó đấu lại các thí sinh khác.

    "Ngay khi biết tin này, con tôi oà khóc, sợ vào các môn học không giỏi sẽ kéo điểm các môn khác xuống", chứng kiến con đã nỗ lực rất nhiều để thi vào ngôi trường chuyên mơ ước, anh Thế không muốn vì một môn thi mà tất cả công sức "đổ sông đổ bể".

    Tại Họp báo Chính phủ ngày 7/10, Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết thời gian qua, kỳ thi vào lớp 10 do các địa phương chủ động về số môn, thời lượng, đề thi. Bộ nhận thấy đa số tỉnh, thành chọn thi ba môn, khoảng 3-4 nơi thi hai môn. Thời gian thi từng môn cũng không giống nhau, có nơi 120 phút, nơi 60-90 phút.

    Lãnh đạo Bộ cho rằng việc tổ chức không đồng nhất, "trăm hoa đua nở" tạo ra bất cập trong việc kiểm tra, đánh giá việc dạy và học. Vì vậy, Bộ dự kiến ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mới, nhằm đưa ra một số tiêu chí khung cho cả nước.

    Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng tại họp báo chiều 7/10. Ảnh: VnExpress

    Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng tại họp báo chiều 7/10. Ảnh: VnExpress

     Theo dự kiến, kỳ thi vào lớp 10 công lập diễn ra với ba môn, gồm Toán và Ngữ văn, cùng môn thứ ba - nằm trong những môn được đánh giá bằng điểm số (Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học).

    Ông Thưởng nhìn nhận phương thức chọn môn thứ ba "được quan tâm nhất". Theo ông, nếu để địa phương tự chọn, việc này có thể ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của người đứng đầu, gây ra nhiều hệ lụy. Nếu chọn một môn cố định, Bộ lo gây ra tình trạng học tủ, học lệch. Như thế, học sinh không được chuẩn bị đầy đủ phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của chương trình mới.

    "Bộ đang nghiên cứu các hình thức để chọn môn thứ ba, có thể năm nay thi môn xã hội, năm sau thi tự nhiên, sau nữa môn khác, hoặc có thể rút thăm", báo VnExpress dẫn lời ông Thưởng nói. "Bộ đang lấy ý kiến về những phương án này".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/boc-tham-mon-thi-vao-lop-10-hoc-sinh-lo-lang-phu-huynh-nhu-ngoi-tren-ong-lua-a471124.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan