Ngày 14/4, Bộ Y tế đưa ra thông điệp khuyến cáo biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, người dân, cộng đồng xã hội chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 2K + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.
Từ đầu tháng 4, số ca mắc mới COVID-19 tại nước ta có xu hướng tăng. Đặc biệt, trong vài ngày gần đây, con số này liên tục tăng lên trên 100 ca, 200 ca và đến ngày 13/4 đã tăng lên gần 500 ca. Số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc.
Ngày 12/4, Bộ Y tế đã có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.
Đồng thời, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế cũng cho hay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, hiện Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng virus các biến thể mới trong tương lai.
Mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với một năm trước đây.
Tuy nhiên một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh, bao gồm nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này.
Các dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm.... cũng có nguy cơ gia tăng số mắc dẫn đến gây nguy cơ dịch chống dịch.
Báo Người Lao Động dẫn lời GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết Tổ chức Y tế thế giới đánh giá những người đã tiêm vaccine COVID-19 hoặc đã từng nhiễm bệnh hầu hết đều có miễn dịch - do vaccine hoặc do mắc phải. Yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.
Theo khuyến nghị mới, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong. Các đối tượng này cần tiêm phòng đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Do đó, địa phương cần rà soát lại tất cả các đối tượng có nguy cơ cao.
Để giảm bớt sự lây nhiễm và nguy cơ gia tăng bệnh tật khi mật độ đi lại, tiếp xúc tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 , GS Lân khuyến cáo người dân thực hiện 2K (khẩu trang-khử khuẩn) + vắc-xin Tại cơ sở khám chữa bệnh, trên các phương tiện công cộng và các địa điểm bắt buộc người dân cần đeo khẩu trang, khử khuẩn nhất là vệ sinh tay. Đối tượng nguy cơ cao cần chủ động đeo khẩu trang để phòng bệnh cho bản thân.
Thủy Tiên (T/h)