+Aa-
    Zalo

    Bộ VHTTDL: Chỉ đạo việc bảo vệ, phát huy giá trị Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật quốc gia Khu Nhà Vương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày 12.6, Bộ VHTTDL ban hành công văn 2251/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc quản lý di tích kiến trúc - nghệ thuật Khu nhà Vương

    (ĐS&PL) Ngay sau khi có ý kiến của đại diện gia đình họ Vương và một số đại biểu Quốc hội liên quan đến dự định việc tạm thời đóng cửa Khu di tích nhà Vương tại Hà Giang vì lý do quyền lợi các bên chưa được quy định rõ, Bộ VHTTDL có công văn 2251/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc quản lý di tích kiến trúc - nghệ thuật Khu nhà Vương, tỉnh Hà Giang.

    Văn bản  nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về một số nội dung liên quan đến Khu Di tích Kiến trúc- nghệ thuật nhà Vương, thời gian qua, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo UBND huyện Đồng Văn tiến hành cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với công trình di tích kiến trúc- nghệ thuật Khu nhà Vương cho 16 cá nhân dòng họ Vương.

    Hiện nay, có thông tin liên quan đến việc một cá nhân là đồng sở hữu Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật quốc gia Khu Nhà Vương, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang dự kiến đóng cửa Khu Di tích. Về việc này, Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Hà Giang thực hiện một số nội dung sau:

    1. Khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đối với nội dung: “… Trao đổi, thống nhất với Gia tộc họ Vương rà soát, hoàn thiện lại quy chế và thực hiện việc quản lý, sử dụng Khu Di tích theo đúng quy định của pháp luật di sản và pháp luật khác liên quan…”.

    2. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị đối với công trình Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật quốc gia Khu Nhà Vương theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa; có kế hoạch quản lý, chống xuống cấp di tích; xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể khu vực phía trước Khu Di tích Nhà Vương và một số hộ dân đang sinh sống trong khu vực bảo vệ II của di tích.

    Tại văn bản, Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Hà Giang  chỉ đạo, thông báo kết quả giải quyết tới Bộ VHTTDL để phối hợp trong việc quản lý khu di tích quốc gia này.

    Trước đó, như Báo Đời sống & Pháp luật đã đưa tin, liên quan đến việc, không được chia tiền lợi nhuận bán vé, cháu nội Vua Mèo muốn đóng cửa dinh thự họ Vương vào ngày 15/6 tới, nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng cho rằng đề nghị của dòng họ là “hợp lý”.

    Theo đó, ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Thành cho biết, dự kiến ngày 15/6, ông sẽ "đóng cửa" khu dinh thự họ Vương ở Đồng Văn, Hà Giang. Lý do ông Bảo đưa ra là hai năm nay, chính quyền không đầu tư tu sửa khiến khu dinh thự xuống cấp và tỉnh Hà Giang chưa xây dựng được quy chế quản lý khu di tích.

    Tại cuộc họp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang ngày 21/5, ông Bảo đã thông báo nếu tỉnh không xây dựng Quy chế quản lý khu di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia nhà họ Vương thì gia đình ông buộc phải “tự quản lý" tránh công trình xuống cấp và không đảm bảo cho du khách thăm quan.

    Để chuẩn bị cho việc "tự quản lý" nêu trên thì con cháu họ Vương sẽ phải tạm thời đóng cửa khu di tích, không tiếp nhận khách tham quan. Khu dinh thự sẽ mở cửa trở lại khi chính quyền và con cháu họ Vương đạt được sự thống nhất về phân chia nguồn lợi từ thu phí tham quan, cũng như làm rõ những trách nhiệm của các bên có liên quan.

    Liên quan đến việc này, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng cho rằng đề nghị của dòng họ Vương là “hợp lý” và có cơ sở. Tuy nhiên, các bên liên quan cần phải nhìn nhận theo hướng hài hòa các mặt lợi ích cũng như trách nhiệm có liên quan.

    Luật Di sản văn hóa có nội dung quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của cá nhân là chủ sở hữu di sản văn hóa:

    Điều 10: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi là tổ chức) và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

    Điều 15: Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu di sản văn hoá có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

    1. Thực hiện các quy định tại Điều 14 của Luật này;

    2. Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hoá có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị huỷ hoại, bị mất;

    3. Gửi sưu tập di sản văn hoá phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vào bảo tàng nhà nước hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp không đủ điều kiện và khả năng bảo vệ và phát huy giá trị;

    4. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hoá;

    5. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

    QT/Sức Khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-vhttdl-chi-dao-viec-bao-ve-phat-huy-gia-tri-di-tich-kien-truc---nghe-thuat-quoc-gia-khu-nha-vuong-a279795.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.