(ĐSPL) – Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 17/6, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng việc nghiên cứu làm thêm đường sắt Bắc-Nam khổ 1m là không mới và không phù hợp.
Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã đề nghị Bộ GTVT cho phép lập đề án nghiên cứu xây dựng thêm 1 tuyến đường sắt khổ 1m chạy song song với tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM hiện nay. VNR lập luận rằng, do năng lực vận tải đường sắt đã kịch trần, quá tải, để có đường sắt cao tốc sớm nhất phải 30 năm nữa, nên cần thêm đường sắt khổ một mét, hình thành tuyến đường đôi nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. |
Mặc dù chưa chính thức trả lời VNR về đề xuất này, nhưng chiều 17/6, trao đổi với báo giới bên hàng lang Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất trên.
“Nếu làm như vậy thì không khác nào anh đang có một nhà cấp bốn rồi, nó hơi chật nên anh muốn xây thêm một nhà cấp bốn khác trong thời gian chờ xây một ngôi nhà đàng hoàng hơn. Làm kiểu chắp vá như vậy thì không ổn. Đúng là nhu cầu trước mắt thì cần nhưng phải tính toán cân đối cho cả lâu dài” – Bộ trưởng Thăng phân tích.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, thực chất, đề xuất này không có gì mới, nó là một trong bốn phương án mà Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) từng nghiên cứu trong các kịch bản phát triển đường sắt Việt Nam giữa năm 2013.
JICA đã gọi đây là phương án B1 với mục tiêu nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thành tuyến đường đôi khổ một mét, không điện khí hóa nhằm cải thiện tốc độ chạy tàu.
Theo một số đại biểu Quốc hội, với tiềm lực kinh tế của Việt Nam, sẽ không đủ sức để xây dựng đường sắt một lèo từ Bắc vào Nam mà phải xây dựng theo từng chặng, Bộ trưởng Thăng cho rằng, đó cũng là một phương án, bởi khai thác đường sắt không giống như đường bộ. Đường bộ làm một cây số cũng có thể khai thác được, nhưng đường sắt không thể làm 100km để khai thác được. Cho nên phải làm đến mức độ nào để đủ khai thác.
Bộ trưởng Thăng bác cho rằng, đề xuất xây dựng đường sắt Bắc-Nam sắt khổ 1 mét là không mới và không phù hợp. Ảnh minh họa. |
Về các phương án xây dựng đường sắt Bắc-Nam được đưa ra, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, hiện nay Bộ vẫn chưa nghiêng về phương án nào, vì thực ra mỗi phương án đều có mặt hay của nó. Nhưng đầu tư đường sắt phải tính lâu dài.
Quan điểm phát triển của Việt Nam thì xây đường sắt cao tốc là cần thiết vì nó là tiên tiến, hiện đại, cả thế giới đều dùng. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, dùng vào lúc nào thì phải tính toán. Vì thế, Bộ đang trình rồi xây dựng đường sắt Bắc- Nam với quy mô tốc độ từ 160km đến dưới 200km, chạy chung tầu khách và tàu hàng. Như vậy, có thể “sáng ăn phở Nam Ngư, tối uống cafe TP.HCM”. Nhưng cũng phải tính toán đến việc sau này kinh tế phát triển còn phải nâng cấp lên đường sắt cao tốc. Hướng là như thế, nhưng còn chờ vào Chính phủ phê duyệt.
“Hiện nay, chiến lược xây dựng đường sắt Bộ đã trình lên Chính phủ để phê duyệt trên cơ sở vì sao phải điều chỉnh. Đó là vì thời điểm mình lập chiến lược (năm 2009) kinh tế xã hội của đất nước khác với bây giờ. Nhất từ sau 2011, chúng ta thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngành, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì chiến lược đó không còn phù hợp nữa nên phải điều chỉnh” – Bộ trưởng GTVT cho biết.
Theo đề xuất xây dựng đường sắt Bắc-Nam khổ 1 mét, VNR đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2020 là ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam hiện tại lên tốc độ chạy tàu bình quân 80-90km/g với tàu khách và 50-60km/g với tàu hàng. Giai đoạn 2020-2030 sẽ chuẩn bị các điều kiện để từng bước xây dựng mới đường sắt đôi, khổ 1,435m trên trục Bắc -Nam với tốc độ khai thác từ 160-200km/g. Trong đó ưu tiên xây trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP.HCM. Đến năm 2050 sẽ phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt đôi, khổ 1,435m trên trục Bắc - Nam và nghiên cứu nâng cấp tốc độ thiết kế cho phù hợp để đáp ứng nhu cầu khai thác (dự kiến 300-350km/g). |