+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình về nợ công tăng cao

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo Bộ trưởng Dũng, sở dĩ nợ công giai đoạn qua tăng cao là do nhiều yếu tố, trong đó có giải ngân vốn ODA quá cao so với dự toán.

    Chiều nay, tại phiên thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có giải trình với Quốc hội về chính sách tài khóa. Theo Bộ trưởng Dũng, sở dĩ nợ công giai đoạn qua tăng cao là do nhiều yếu tố, trong đó có giải ngân vốn ODA quá cao so với dự toán.

    Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, về vấn đề tái cơ cấu ngân sách và nợ công, trong giai đoạn 2011 – 2015 ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Nghị quyết Đại hội Đảng đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 7,5% sau đó trước tình hình kinh tế thế giới suy giảm, Quốc hội có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 – 2015 là 6 - 7%, thực tế trong 5 năm qua, đạt 5,91%, điều này tác động lớn đến thu ngân sách Nhà nước. 

    Thứ 2, nhiệm kỳ này giá dầu thô giảm nhanh cùng với đó cắt giảm thuế quan theo lộ trình hội nhập quốc tế cùng anh hưởng đến thu ngân sách.

    Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

    Cùng với đó, do điều kiện khó khăn trong nội tại kinh tế nên chúng ta điều chỉnh chính sách sách thu và cắt giảm thu nhanh hơn lộ trình tạo điều kiện cho DN như thuế thu nhập DN từ 25% xuống 22 %, thuế DN nhỏ và vừa giảm xuống 20% từ năm 2013 trong khi lộ trình là năm 2020 mới giảm và thuế thu nhập cá nhân điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế từ 4 triệu –lên 9 triệu đồng nên giảm thu ngân sách nhà nước.

    “Tuy vậy, cùng tăng trưởng kinh tế không đạt theo yêu cầu nhưng thu ngân sách Nhà nước 2011 – 2015 đã tăng 1.95 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, thu nội địa nếu 2011 đạt 61,5% trong tổng thu ngân sách Nhà nước thì đến 2015 là 71,5%, 2016 là 79% và dự toán 2017 sẽ thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước là 81.7%, chúng ta điều chỉnh chính sách rất đúng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

    Bộ trưởng Dũng cho biết thêm, về dầu thô nếu giai đoạn 2011 thu 15,3% trong tổng thu ngân sách nhà nước thì đến 2016 chỉ còn 3,6% trong dự toán 2017 chỉ 3,2%. Trong tổng thu ngân sách Nhà nước chỉ bằng nửa tổng số thu thuế thu nhập cá nhân. Cùng với đó, thu thuế xuất nhập khẩu giảm, nếu năm 2011 chiếm 21,6%, trong tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2016 là 15,7%, năm 2017 là 14.8% thu ngân sách.

    Ngoài ra, thực hiện giãn hoãn và miễn thuế cho DN tạo điều kiện cho DN phát triển và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cũng giảm thu ngân sách.

    Về chi giai đoạn 2011 – 2015, tập trung đầu tư con người và an sinh xã hội. Tốc độ chi tăng an sinh xã hội giai đoạn này là 18% cao hơn nhiều tốc độ tăng ngân sách Nhà nước, điều này cũng làm ngân sách khó khăn thêm. Trong 2011 có 11 chính sách an sinh xã hội với mức chi 18,5 nghìn tỷ đồng thì năm 2016 có 21 nhóm chính sách an sinh xã hội, chi phí là 57,1 nghìn tỷ đồng/năm làm chi thường xuyên tăng cao.

    Bộ trưởng cho biết thêm, về chi đầu tư phát triển thì 2011 – 2015 chúng ta bố trí dự toán ở mức 18,2% thấp hơn 2016 – 2017 nhưng trong điều hành hàng năm được bổ sung từ nguồn dự phòng, tăng thu ngân sách nhà nước, bổ sung kế hoạch giải ngân nguồn ODA tăng chi đầu tư lên thực tế quyết toán là 23,6% chi ngân sách nhà nước, nếu tính cả sổ xố kiến thiết nhà nước lên 26%.

    Như vậy, năm 2017 chúng ta bố trí dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách Nhà nước đạt 25.7% trong tổng chi ngân sách nhà nước.

    “Đồng thời, năm 2014 –2016 Quốc hội phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Cùng với đó, ODA giải ngân quá cao so với dự toán, dự toán cả giai đoạn là 142 nghìn tỷ đồng thực tế giải ngân 254 nghìn tỷ đồng. Hai việc này tập trung việc đầu tư cơ sở hạ tầng và do giải ngân cao hơn dự toán quá cao nên bội chi tăng cao. Bội chi giai đoạn 2011 – 2015 dự tính 5% tuy nhiên thực tế lên 5,8%. Đương nhiên dẫn đến nợ công tăng cao”, bộ trưởng lý giải.

    Về nợ công năm 2010 ở mức 50% thì năm 2015 ở mức 62,5%. Nếu xét quy mô năm 2015 gấp 2,3 lần năm 2010, tăng bình quân 18,4%/năm. Trước tình hình vậy Nghị quyết 12 của Đảng, Bộ đã báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết 07 về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn nợ công tuy nhiên 2016 – 2017 vấn đề nợ công đã được kiểm soát thông qua phát hành dài trái phiếu.

    “Điều quan trọng là toàn bộ khoản vay của giai đoạn 2011- 2013 với lãi suất cao lên đến 13% thì vừa qua chúng ta đã trả được hết với lãi suất trên dưới 6% mà kỳ hạn như năm ngoái phát hành là 91% là 5 năm trở lên, đến nay 102 nghìn tỷ đồng trên 5 năm trở lên, tất cả không có kỳ hạn. Chúng tôi rằng quá trình tái cơ cấu nợ công thời gian qua rất tốt”, Bộ trưởng cho biết.

    Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị, Bộ đang triển khai các giải pháp về cơ cấu lại thu. Tới đây, Bộ sẽ trình Quốc hội về Luật thuế tài sản đồng thời tập trung siết chặt chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu thường xuyên.

    “Các giải pháp chi tiêu thường xuyên thời gian qua chúng tôi đang tập trung cùng chính sách thu , ví dụ tới đây trình Chính phủ quyết định về xe công, triển khai quyết liệt sau khi Quốc hội thông qua Luật quản lý Tài sản công cùng với giải pháp về khoán chi, tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy... thực hiện các giải pháp đồng bộ thì nhiệm vụ tái cơ cấu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công của chúng ta sẽ có hiệu quả rõ nét hơn”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-bo-tai-chinh-giai-trinh-ve-no-cong-tang-cao-a192851.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan