+Aa-
    Zalo

    Bộ máy phình to, dân có đóng bao nhiêu thuế cũng không nuôi nổi!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) -Việc tăng lương, đảm bảo đời sống của cán bộ công chức sẽ góp phần giải quyết tận gốc những hiện tượng tiêu cực. Tuy nhiên, ĐBQH cho rằng, bộ máy chính quyền càng phình to thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi.

    (ĐSPL) - Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng lương, đảm bảo đời sống của cán bộ công chức sẽ góp phần giải quyết tận gốc những hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy công quyền.

    Tuy nhiên, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách tại nghị trường kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vừa qua, một số đại biểu nghi ngại, nếu bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ, hệ thống ngày càng phình to như hiện nay thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi.

    Mũ ni che tai...

    Tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đầu năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn đặt vấn đề: “Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức nhưng thực sự 2,8 triệu công chức ấy có cống hiến hết mình hay không? Chế độ chi cho công chức, công vụ của chúng ta hiện nay vẫn tính trên tổng biên chế nói chung mà chưa tính đến việc làm cụ thể của từng vị trí công chức. Biên chế càng lớn thì chi thường xuyên càng lớn. Trong bộ máy của chúng ta có tới 30\% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.

    (bgiay)Từ việc không bố trí được nguồn ngân sách tăng lương theo

    30\% cán bộ công chức làm việc chưa thực sự hiệu quả (ảnh minh họa).

    Ví dụ “kinh điển” chính là trường hợp của xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có 15 thôn, 2.000 hộ với 9.500 nhân khẩu nhưng có đến hơn... 250 cán bộ từ xã đến thôn. Lẽ dĩ nhiên, có cán bộ thì phải trả lương, thế nhưng theo Nghị định 92 của Chính phủ, chỉ có cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách thì Nhà nước trả lương, còn cán bộ phát sinh, xã phải tự trả phụ cấp cho họ. Được biết, mỗi năm, xã Quảng Vinh thu các khoản vào ngân sách chỉ được có 400 triệu đồng. Vậy, tiền đâu để chi trả cho bộ máy cán bộ quá khổng lồ như thế? Câu chuyện này đã từng “gây bão” trong dư luận xã hội suốt một thời gian dài.

    Một câu chuyện khác có thực mà như đùa về số lượng cán bộ công chức lớn “quá mức” được ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XII (năm 2013) là bình quân 1 xã, phường ở Quảng Ninh có khoảng 200 người hưởng lương. Nhiều người hưởng lương nhất là tại phường Hồng Hải (TP. Hạ Long) với con số 475. Địa phương ít nhất là xã Thanh Lân của huyện Cô Tô với 82 người được hưởng. Một xã của huyện Ba Chẽ có 120 hộ với 521 người dân, nhưng lại có tới 110 người được hưởng lương ngân sách. Thực tế này quả thực chúng ta không thể không suy ngẫm.

    Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng bộ Nội vụ cho hay: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sau tinh giản biên chế không giảm mà còn tăng đã được bộ Nội vụ chỉ ra, đó là việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại. éây cũng là điều mà dư luận lo ngại. Việc tinh giản biên chế có đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách, thật sự khách quan, minh bạch hay không? Có ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực như "chạy chọt" để không phải vào diện tinh giản biên chế, hoặc lãnh đạo cơ quan, tổ chức lợi dụng việc tinh giản biên chế để trù dập cán bộ...”.

    “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”

    Câu chuyện dân phải “góp” tiền trả lương cho cán bộ do nằm ngoài danh sách trả lương của Nhà nước là chuyện không hiếm. Qua một số vụ việc, thấy nó phi lý là bởi, nhiều người dân đóng góp “nuôi” cán bộ nhưng nhiều cán bộ lại “ngồi chơi xơi nước”, thậm chí là rủ nhau đi uống rượu, vì họ có muốn cũng không có việc để làm. Những chuyện phi lý ấy không chỉ ở xã Quảng Vinh mà còn ở nhiều địa phương khác. Theo số liệu của bộ Nội vụ, hiện, cả nước có hơn 900.000 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn với khoảng 130.000 thôn. Đó là theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, thực chất số lượng cán bộ phát sinh từ nhu cầu thực tế, từ sự thỏa thuận giữa nhân dân với chính quyền hoặc từ những lý do khác thì chắc rằng khó thống kê hết được.

    Theo Nghị định 92 của Chính phủ, chỉ có cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách được Nhà nước trả lương, còn cán bộ phát sinh UBND xã phải tự trả phụ cấp. ông Nguyễn Hữu Đức, Vụ trưởng vụ Chính quyền địa phương (phát biểu trên VnExpress) rằng: “Hiện mỗi xã đang phải chi trả từ 120 – 170 định suất ngoài ngân sách bằng nguồn đóng góp của dân”. Cũng theo ông Đức, bên cạnh còn có cán bộ không chuyên trách, số lượng do địa phương tự quyết định. Đây là một bất cập trong việc thực hiện chính sách. Bởi, không ai dám chắc đội ngũ cán bộ phát sinh và các khoản đóng góp đều xuất phát từ yêu cầu, từ sự tự nguyện của người dân. Vô hình trung người dân lại phải thêm gánh nặng trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Không những thế, nó còn là điều kiện để đội ngũ cán bộ thoái hóa, biến chất thu lợi công sức của người dân một cách hợp pháp.

    Bàn về câu chuyện thừa nhân sự, hiệu quả làm việc kém trong khi ngân sách Nhà nước vẫn phải trả lương, Vụ trưởng vụ Tổ chức - Biên chế (bộ Nội vụ) Thái Quang Toản từng phát biểu với báo chí rằng: Hầu như bộ, ngành, địa phương nào cũng xin thêm biên chế gây áp lực rất lớn lên bộ Nội vụ. Các ngành, lĩnh vực xin tăng biên chế như: Thanh tra xây dựng, thanh tra giao thông, quản lý thị trường, kiểm lâm... Tuy nhiên, các đề xuất này đều bị từ chối do chủ trương chung là từ nay đến 2016 không tăng thêm biên chế.

    Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội trao đổi với báo chí trong kỳ họp Quốc hội thứ 8, khoá XIII rằng: "Thực tế, đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm, mà còn tăng thêm tới 20\% là điều khó có thể chấp nhận. Do đó, hoàn toàn dễ hiểu và có cơ sở để dư luận hoài nghi về tính thực tiễn của dự thảo, khi chỉ còn hơn 6 năm mà phải cắt giảm tới 100.000 người".

    Nhân nói đến chuyện thiếu nguồn tài chính để thực hiện đúng theo lộ trình tăng lương năm 2015, nhiều vị chuyên gia cũng như ĐBQH lại đề cập đến việc tinh giản biên chế của đội ngũ cán bộ không chỉ ở 3 cấp, mà còn ở các bộ ngành và trung ương để có nguồn kinh phí thực hiện việc tăng lương, cùng với việc chi tiêu một cách tiết kiệm hợp lý. Đây cũng là một giải pháp đáng được quan tâm.

    Trong khi đó, Thứ trưởng bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng đã trả lời báo chí hồi tháng 2 vừa qua là “không nên quá quan tâm tới việc đưa con số cụ thể là bao nhiêu người ra khỏi công vụ mà cần quan tâm làm thế nào để đưa được những người không làm việc, những người không đáp ứng yêu cầu công việc ra khỏi công vụ để thay vào đó bằng những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, trách nhiệm, tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân. Như vậy, chúng ta mới thực hiện được mục tiêu của tinh giản biên chế”. Tuy nhiên, xét theo những gì ông Trần Anh Tuấn nói thì riêng việc xác định ai làm được việc, ai không làm được việc trong bộ máy Nhà nước cũng là vấn đề rất đau đầu.

    Càng tinh giản càng phình to từ cấp cơ sở đến bộ ngành

    Ngày 8/8/2007, Chính phủ ban hành Nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế. Nhưng sau 5 năm thực hiện, năm 2012, con số do bộ Nội vụ đưa ra đã gây “sốc” cho xã hội: Đến cuối năm 2012, tổng số cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện tăng 42.000 người, cán bộ công chức cấp xã tăng 14.000 người. Tổng biên chế cả nước năm 2013 cũng tăng hơn năm 2012. Một số tỉnh có số lượng biên chế rất cao như Nghệ An 18.000 người; Thanh Hóa 17.300 người…

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-may-phinh-to-dan-co-dong-bao-nhieu-thue-cung-khong-nuoi-noi-a67000.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan