Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo đánh giá về việc nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển phục vụ các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Nghiên cứu thí điểm này làm cơ sở để đánh giá khả năng thay thế cát sông đắp nền đường bằng cát biển ra thực tế theo các thiết kế điển hình của đường giao thông.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện thí điểm sử dụng cát biển cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau.
Đến nay, đoạn thí điểm đã hoàn thành hết lớp đắp bằng cát biển K95, K98 (tỷ lệ đầm nén thực tế đạt 95,98%) đang thi công lớp đá dăm láng nhựa, dự kiến đến tháng 12/2023 sẽ hoàn thành đến lớp mặt và có thể thông tuyến đoạn thí điểm. Theo đánh giá bước đầu, vật liệu đầu vào dùng đắp mẫu cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm đảm bảo các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền về hàm lượng muối hòa tan và chỉ số sức chịu tải theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9436:2012 Nền đường ô tô - Thi công và nghiệm thu (tổng lượng muối hòa tan dưới 5%).
Chất lượng môi trường xung quanh khi sử dụng cát biển của đoạn thí điểm cho thấy, chất lượng môi trường nền (nước mặt, nước ngầm và đất) trước và trong khi thi công chưa có bằng chứng về việc thi công đắp cát biển làm tăng độ mặn và hàm lượng Clorua trong nước mặt và nước ngầm. Việc thi công cũng không ảnh hưởng đến chất lượng đất.
XEM THÊM: Đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư: Sẽ tính theo số km chạy trên đường
Tại khu vực thí điểm, có thể đánh giá sơ bộ cát biển khu vực tỉnh Sóc Trăng có thể thay thế cát sông làm vật liệu đắp nền đường, các tính chất vật liệu của cát biển sử dụng đắp nền đường tương tự như cát sông.
Việc sử dụng cát biển đắp nền đường cũng không có tác động lớn về chất lượng môi trường xung quanh, độ mặn của nước mặt và nước ngầm trước vào sau khi thi công chưa thể hiện rõ ràng. Tuy vậy, công tác thí điểm vẫn cần theo dõi thêm để thu thập đầy đủ số liệu phục vụ cho công tác đánh giá tổng kết.
Nguyễn Lâm