Báo Dân trí thông tin, đối tượng áp dụng của chương trình này là người bản ngữ có bằng cao đẳng trở lên, người nước ngoài có bằng cao đẳng tiếng Anh trở lên, người nước ngoài có bằng cao đẳng trở lên và có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo môn tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhằm góp phần bảo đảm chất lượng giảng dạy tiếng Anh do người nước ngoài đứng lớp tại các trung tâm ngoại ngữ hiện nay.
Sau khi hoàn thành chương trình, học viên người bản ngữ, người nước ngoài có khả năng vận dụng được kiến thức, phương pháp và cách tiếp cận chính trong dạy tiếng Anh; phân tích, đánh giá, điều chỉnh nội dung, phương pháp phù hợp với đối tượng người học, văn hóa và bối cảnh dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, học viên có thái độ, tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm, hợp tác, chuyên nghiệp, có khả năng thích ứng linh hoạt, tôn trọng phong tục tập quán, truyền thống văn hóa Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo tạp chí Kinh tế Việt Nam Chương trình đào tạo cho người nước ngoài dạy tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ, tin học tại Việt Nam gồm 10 chuyên đề về kiến thức, phương pháp và kỹ năng giảng dạy tiếng Anh và 1 chuyên đề thực tập, với tổng thời lượng là 160 tiết.
Trong đó, nội dung cốt lõi gồm: Kiến thức cơ bản về bối cảnh và văn hóa Việt Nam; hệ thống giáo dục Việt Nam; chương trình giáo dục mầm non, phổ thông của Việt Nam; một số quy định về dạy và học tại Việt Nam…
Phương pháp giảng dạy kiến thức ngôn ngữ tiếng Anh; phương pháp giảng dạy kỹ năng tiếng Anh (nghe, nói, đọc viết bằng tiếng Anh); phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ em, thanh - thiếu niên Việt Nam; phương pháp về kiểm tra, đánh giá; ứng dụng Công nghệ thông tin và khai thác, phát triển học liệu trong dạy học tiếng Anh
Ngoài ra, chương trình còn có các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo; giảng viên tham gia giảng dạy; biên soạn, thẩm định tài liệu; quản lý và cấp phát chứng chỉ cho học viên hoàn thành khóa học.
Quyết định số 4159/QĐ-BGDĐT quy định, đơn vị được tham gia đào tạo gồm trường đại học sư phạm có khoa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có khoa đào tạo giáo viên tiếng Anh; cơ sở giáo dục được phép đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh.
Chủ trương của Bộ GD&ĐT là không quy định mới việc giao nhiệm vụ đối với các chương trình đào tạo ngắn hạn/bồi dưỡng. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng sẽ chủ động biên soạn tài liệu, tổ chức bồi dưỡng nếu có đủ điều kiện theo quy định và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện.
Phương Uyên (T/h)