Theo VTC News, Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu EVN phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió để thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3.
Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm đàm phán, thống nhất giá điện trước ngày 31/3 với các dự án điện mặt trời, điện gió chưa kịp vận hành thương mại, để sớm đưa vào khai thác.
Công ty mua bán điện thuộc EVN (EPTC) cho hay, dù đã gửi văn bản cho 85 nhà đầu tư đề nghị gửi hồ sơ tài liệu xác định điều kiện nhà máy điện gió mặt trời là nhà máy chuyển tiếp và hồ sơ tài liệu liên quan đến các thông số đầu vào để tính toán phương án giá điện của dự án. Nhưng đến sáng 20/3, công ty mới nhận được 1 văn bản chính thức của nhà đầu tư điện gió.
Tạp chí Thương trường thông tin, Bộ Công Thương thống kê hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.
Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.
Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, 36 nhà đầu tư điện gió, mặt trời cho biết, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85 ngàn tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58 ngàn tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng.
Theo Báo Vietnamnet, tại đối thoại về chủ đề này tại EVN hôm 20/3, nêu lý do hầu hết chủ đầu tư chưa gửi hồ sơ đàm phán, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc T&T Group cho biết: Nhà đầu tư chưa nộp hồ sơ vì thấy chưa rõ ràng và đề nghị các chỉ đạo cần rõ ràng để chủ đầu tư thực hiện.
Theo bà Bình, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên nhiều dự án điện tái tạo chậm thời hạn hưởng giá FIT. Sau khi có Thông tư 15 và Quyết định 21 hướng dẫn về đàm phán giá của Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp chủ đầu tư.
Dù vậy, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương mới đây, 36 nhà đầu tư đã phản ánh những điểm còn bất cập tại các văn bản trên, như chưa phù hợp thực tiễn về mặt pháp lý, tính toán giá điện, được ban hành vội vàng và không hỏi ý kiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Theo Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, khung giá đã có, phương pháp đàm phán đã được đề ra và đang chờ Bộ Công Thương thông qua, trên cơ sở đó đề nghị các chủ đầu tư nhanh chóng nộp hồ sơ cho Công ty mua bán điện.
"Đề nghị chủ đầu tư, EVN, Bộ Công Thương xích lại hợp tác. Trong quá trình làm việc có gì vướng mắc cùng nhau xử lý, vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Bộ Công Thương”, ông Trần Đình Nhân cho hay.
Vân Anh(T/h)