Sau khi bị bắt vì có hành vi giết người, Phạm Duy Lăng liên tục kêu oan. Trải qua hơn 11 năm, đến tận phiên xử sơ thẩm lần 3, Lăng mới nhận tội, tỏ ra ăn năn hối hận, xin lỗi đại diện bị hại và hy vọng có cơ hội trở về để sửa chữa sai lầm.
Bị cáo Phạm Duy Lăng nhận tội sau 11 năm kêu oan. |
Trọng án 11 năm trước
Bị cáo Phạm Duy Lăng (SN 1989, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) bị TAND tỉnh Bình Phước xét xử về tội Giết người. Vụ án mà Lăng gây ra cách đây đã hơn 11 năm. Lúc đó, Lăng mới chỉ là thanh niên 19 tuổi. Đây là lần thứ ba tòa này kết tội Lăng. Trước đó, đã 2 lần Lăng bị tuyên án tù về tội Giết người nhưng bị cáo chưa bao giờ nhận tội. Bị cáo liên tục kêu oan và trong 11 năm qua. TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng đã 2 lần tuyên hủy án để làm rõ việc Lăng có thật sự giết người hay không.
Cùng bị xét xử với Lăng còn có 3 bị cáo khác, gồm: Lương Văn Khu (34 tuổi), Chu Quang Tùng (30 tuổi) và Nguyễn Ngọc Tuấn (28 tuổi, cùng ngụ huyện Bù Đăng) về cùng tội Gây rối trật tự công cộng. Theo nội dung vụ án, vào 16h ngày 23/3/2009, Phạm Duy Lăng, Lương Văn Khu cùng nhóm bạn đến dự tiệc cưới tại nhà Hoàng Văn Giang (xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng).
Đến dự đám cưới còn có anh Trương Thanh Th. (SN 1990) cùng nhóm bạn Nguyễn Ngọc Tuấn, Chu Quang Tùng, cùng xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng. Tại đám cưới, Tuấn lên sân khấu hát và làm rơi micro xuống sàn. Thấy vậy, 1 người đến hỏi Tuấn lý do làm rơi micro thì hai bên xảy ra cãi vã và cả hai kéo nhau ra ngoài đường hỗn chiến. Lăng bị Tùng ném đá trúng đuôi mắt phải nên ngã xuống mương nước.
Đang ngồi ở đám cưới, Lương Văn Khu nghe tin có đánh nhau và nhìn thấy Th. đang đứng trên đường. Khu chạy đến dùng tay đấm, đá làm Th. ngã xuống đường. Thấy Th. định vùng đứng dậy, Lăng liền dùng chân phải đá mạnh vào đầu Th. 2-3 cái rồi bỏ đi. Th. được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đến ngày 26/3/2009 thì tử vong.
Ngoan cố suốt 11 năm
Tháng 6/2011, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần đầu, phạt bị cáo Lăng 16 năm tù về tội Giết người, đồng thời kiến nghị cấp trên hủy bản án sơ thẩm của chính tòa này để điều tra, xét xử lại vì vụ án có dấu hiệu bỏ lọt đồng phạm giết người, gây rối trật tự công cộng. Bị cáo Lăng kháng cáo kêu oan rằng mình không dùng chày inox đập vào đầu nạn nhân.
Tháng 9/2011, TAND Tối cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm để điều tra lại do nhận thấy có nhiều mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Sau đó, VKS tỉnh Bình Phước truy tố thêm Khu và 2 người nữa về tội Gây rối trật tự công cộng. Năm 2014, TAND tỉnh Bình Phước tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm lần 2 nhưng sau đó phải hoãn xử để mời giám định viên.
Trong khoảng thời gian từ năm 2014-2016, cấp tòa này nhiều lần mở tòa để xét xử bị cáo Lăng nhưng thay vì tuyên án, tòa lại trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Mãi đến ngày 6/7/2016, TAND tỉnh Bình Phước mới khẳng định Lăng có hành vi giết người và phạt Lăng 14 năm tù giam. Sau bản án sơ thẩm này, Lăng kháng cáo kêu oan cho rằng mình không giết người. Năm 2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, nhận thấy có nhiều tình tiết quan trọng có khả năng làm thay đổi toàn bộ nội dung vụ án và có căn cứ cho thấy cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm, có dấu hiệu oan sai nên đã tuyên hủy toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Quá trình điều tra lại, các cơ quan điều tra, tố tụng của tỉnh Bình Phước tiếp tục bảo lưu quan điểm, tiếp tục truy tố bị cáo Lăng về tội Giết người, nhóm 3 bị cáo còn lại về tội Gây rối trật tự công cộng. Tại phiên tòa ngày 29/4 mới đây của TAND tỉnh Bình Phước, bị cáo Lăng không còn kêu oan nữa mà thừa nhận hành vi giết người của mình.
Sau giờ nghị án, HĐXX ghi nhận sự thành khẩn, ăn năn hối hận của Lăng và tuyên phạt bị cáo này 11 năm 25 ngày tù giam (bằng thời gian tạm giam) về tội Giết người, đồng thời phải bồi thường cho gia đình bị hại 80 triệu đồng. Tuyên phạt Chu Quang Tùng 16 tháng 1 ngày tù giam (bằng thời gian tạm giữ, tạm giam), Nguyễn Ngọc Tuấn bị tuyên phạt 10 tháng 19 ngày tù giam (bằng thời gian tạm giữ, tạm giam) và Lương Văn Khu bị tuyên phạt 17 tháng tù giam cùng về tội Gây rối trật tự công cộng.
Lời thú tội muộn màng Phạm Duy Lăng hối hận, gửi lời thú tội cũng như lời xin lỗi đến gia đình bị hại: “Thưa hai bác, cháu biết tội của cháu gây ra. Cháu mới đi tù về, cháu sợ tội của cháu nên cháu không dám nhận tội. Bởi lúc đó cháu làm chết người là mức án tử hình nên cháu chối bỏ tội của cháu. Bao nhiêu năm nay cháu ngồi trong trại giam, cháu cũng nhận thức được hành vi sai trái của cháu. Cháu không dám xin hai bác xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho cháu, cháu chỉ xin hai bác, nếu sau này cháu có cơ hội trở về thì cho cháu cơ hội để sửa chữa những sai lầm mà cháu đã phạm phải”. |
Công Thư
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Thứ 2 (71)